Mùa tuyển sinh năm 2024, điểm chuẩn khối ngành sư phạm cao vọt được đánh giá là một tín hiệu tích cực với chuẩn đầu vào. Theo các chuyên gia, thực tế này cho thấy sức hút của các chính sách đang triển khai đúng và trúng với nhu cầu thực tiễn.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), số nguyện vọng đăng ký vào nhóm ngành sư phạm năm 2024 tăng 85% so với năm 2023. Trong khi đó, chỉ tiêu được Bộ GDĐT siết chặt, chỉ tương đương năm 2023, so với năm trước nữa thì giảm mạnh, một phần do nhiều tỉnh, thành không đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP. Lãnh đạo Bộ GDĐT cho rằng, điểm chuẩn vào các trường sư phạm năm nay tăng cao là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nhu cầu xã hội đối với đội ngũ nhà giáo, giáo viên phổ thông rất rõ, nhất là ở một số môn như Lịch sử, Địa lý.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn khối trường sư phạm tăng mạnh do nhiều nguyên nhân. Có thể kể đến như chính sách về cấp bù học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm đã thu hút thí sinh, khiến số thí sinh đăng ký vào sư phạm tăng vọt, trong khi chỉ tiêu chỉ có hạn. Đáng lưu ý, quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT có tuyển thẳng với những học sinh giỏi quốc gia. Năm 2024, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có khoảng 300 học sinh giỏi quốc gia đăng ký vào các ngành, trong đó có các ngành sư phạm, điều này dẫn tới sức cạnh tranh cũng khó khăn hơn.
Qua ghi nhận thực tế, nhiều nhà giáo chia sẻ, thời gian qua chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm đã phát huy tác dụng, gồm miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí 3,6 triệu đồng mỗi tháng, trong bối cảnh học phí ở các lĩnh vực khác tăng mạnh. Tiền lương và đời sống giáo viên dần được cải thiện qua các đợt tăng lương cơ bản. Tại TPHCM còn có chính sách hỗ trợ thêm.
Như vậy, các ngành đào tạo giáo viên thu hút được nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển, điểm chuẩn ngày càng cao qua các năm chính là hiệu quả từ các chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Cụ thể là tác động tích cực của Nghị định số 116 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Ngoài ra, những yếu tố quan trọng khác là niềm tin của học sinh và phụ huynh vào cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Theo thống kê, từ khi Bộ GDĐT ban hành Nghị định số 116 đến nay, chỉ tiêu đào tạo sư phạm dựa trên nhu cầu giáo viên của các địa phương, việc phân bổ chỉ tiêu đã sát với thực tế, tạo cơ sở cho phụ huynh và học sinh lựa chọn ngành học.
Các ngành đào tạo giáo viên những năm gần đây có ngưỡng đảm bảo đầu vào cao hơn các năm trước. Đối với các phương thức xét tuyển sớm như xét tuyển học bạ, kỳ thi đánh giá năng lực, yêu cầu thường thí sinh phải có học lực loại giỏi trở lên và có điểm học bạ cao. Điều này đã thúc đẩy những thí sinh có học lực tốt đăng ký vào các ngành sư phạm để khẳng định năng lực và giá trị bản thân.
Mới đây, cho ý kiến chỉ đạo với dự án Luật Nhà giáo, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách đặc thù với đội ngũ nhà giáo để phát triển, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thu hút người tài vào ngành giáo dục, những người tâm huyết công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…; có chính sách đặc thù phù hợp với giáo viên từng cấp (mầm non, tiểu học, trung học, đại học...)
Trước đó, tại Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024, Bộ Chính trị yêu cầu đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành giáo dục; thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Dẫu thế, những số liệu thống kê cũng đáng phải suy ngẫm. Năm học mới, ngành giáo dục thiếu hơn 113.00 giáo viên, trung bình mỗi tỉnh, thành phố thiếu gần 2.000 giáo viên. Nhiều người dù gắn bó lâu năm với nghề cũng đành bỏ ngang vì mức lương hiện không đủ sống. Cùng đó, hàng loạt khó khăn, vướng mắc khi triển khai Nghị định 116 cũng đã được Bộ GDĐT chỉ ra. Bao gồm khó khăn từ phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu; vướng mắc từ việc phân bổ kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm…
Mong rằng những vướng mắc này sớm được tháo gỡ để góp phần nâng tầm vị thế ngành sư phạm và vị thế của giáo viên. Nhìn rộng ra là sự đổi thay của ngành giáo dục nhìn từ đầu vào khối ngành sư phạm.