Sức mạnh Việt Nam

Hoàng Mai 19/12/2015 13:10

Hôm nay (19/12), kỷ niệm 69 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - lời hiệu triệu sục sôi hào khí cách mạng và tinh thần quyết chiến quyết thắng của dân tộc Việt Nam.

Sức mạnh Việt Nam

Tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, kỉ niệm Hà Nội
bước vào cuộc kháng chiến mùa đông năm 1946.

Trong lịch sử dân tộc, cha ông ta đã từng nghe những lời hiệu triệu dậy non sông đất trời “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo”. 69 năm trước, với “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch, cả nước bước vào cuộc chiến đấu trường kỳ: giữ cho được nền hòa bình non trẻ của một đất nước non trẻ đang phải vượt qua những thác ghềnh khó khăn bởi thù trong, giặc ngoài.

Nhớ lại, tháng 9 năm 1945 ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, những tưởng những khó khăn mà chiến tranh mang lại sẽ chấm dứt từ đây. Và, Nhà nước công nông đầu tiên tại Đông Nam Á có thể bắt tay dựng xây cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng, lịch sử lại thử thách lòng kiên trung của những người con Việt Nam khi cùng lúc, Nhà nước non trẻ và nhân dân của Nhà nước ấy đang phải từng ngày đấu tranh trong hoàn cảnh tình thế cách mạng mong manh, khi giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm cùng lúc tấn công chúng ta.

Lịch sử sẽ vẫn còn khắc ghi thời điểm 23/9/1945 khi thực dân Pháp núp bóng quân Anh vào giải giáp vũ khí của quân Nhật mà nổ súng đánh ta tại Nam Bộ, chỉ 20 ngày sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Kể từ đó cho đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Hiệp định Sơ bộ với Pháp vào đầu tháng 3/1946 là cả một quãng thời gian Người đi về giữa Việt Nam và Pháp với mong muốn hòa bình cho dân tộc và Nhân dân; với mong muốn không để ai phải hy sinh xương máu mà dồn sức cho công cuộc xây dựng đất nước.

Thế nhưng ngay cả Tạm ước 14/9/1946 do Marius Moutel đại diện Cộng hòa Pháp và Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện cho Việt Nam ký cũng không ngăn được dã tâm của chính quyền Pháp khi ấy. Cái gì đến rồi cũng đến, sau khi Tạm ước bị chính phía Pháp phá vỡ tại Nam Bộ, khi chưa kịp ráo mực; đến tháng 11/1946 là chuyện quân Pháp nổ súng tại Bắc Bộ với Lạng Sơn, Hải Phòng rồi Đà Nẵng. Đến ngày 15/12/1946, tại Thủ đô thân yêu, quân đội Pháp tiếp tục gây hấn với hàng loạt hành động như đốt Nhà thông tin Tràng Tiền, chiếm Bộ Tài chính.

Đi xa hơn nữa trong ngày 17/12 đó là hành động tàn sát đồng bào ta tại phố Hàng Bún và Yên Ninh, gây ra đổ máu ở cầu Long Biên, khu vực Cửa Đông. Ngày 18/12/1946, phía Pháp gửi cho chúng ta hai tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi chướng ngại vật trên các đường phố, giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát an ninh trật tự ở Thủ đô cho phía Pháp. Đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, ngày 18 và 19/12/1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc.

20h ngày 19/12/1946, quân dân Hà Nội nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Ngày 20/12/1946, tại Hang Trầm (Chương Mỹ, Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch. Ngày 22/12/1946, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”.

Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ khát khao hòa bình của dân tộc ta, Nhân dân ta và vì cái khát khao ấy chúng ta sẽ nhất định không chịu làm nô lệ.

Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngắn gọn và ngùn ngụt lửa cách mạng ấy, có đoạn: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt thì phải đứng lên chống thực dân Pháp. Ai có súng cầm súng, ai có gươm cầm gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Một lời kêu gọi không chỉ đơn thuần là một lời hiệu triệu mà xa hơn thế là sự khơi dậy tự đáy lòng của mỗi người Việt Nam một tinh thần đoàn kết triệu người như một, cùng hướng về một mục tiêu chung: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Một chiến lược chiến tranh cách mạng mang đậm đặc sắc Việt Nam, vừa kiên định mục tiêu, vừa sáng tạo. 9 năm của cuộc kháng chiến trường kỳ, từ rừng sâu Việt Bắc, Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng bằng chính niềm tin mãnh liệt vào chân lý, niềm tin vào sức mạnh đại đoàn kết của người dân Việt Nam và không ngừng mở rộng Mặt trận đoàn kết dân tộc với các dân tộc, đảng phái ở trong nước cũng như trong đoàn kết quốc tế. Mục đích chính là tạo ra sức mạnh tổng lực để chiến đấu và chiến thắng trên khắp các “mặt trận”; từ tiền tuyến đến hậu phương; từ chính sách địch vận đúng đắn đến chiến lược ngoại giao nhân dân.

Nhìn từ thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp đến công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay, có thể thấy, chân lý và chính nghĩa luôn đứng về phía chúng ta. Quan trọng hơn cả, để có một thắng lợi như những gì chúng ta đang thụ hưởng hôm nay, đó là nhờ đường lối đúng đắn mà Đảng và Bác đã vạch ra cho một dân tộc nhỏ bé nhưng có những con người quật cường lại biết yêu chuộng hòa bình, biết giữ gìn độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.

Một dân tộc tuy yếu nhưng bằng sự đoàn kết, bằng việc phát huy được nội lực của chính mình- thứ nội lực phát huy sức mạnh toàn dân tộc và tinh thần đại đoàn kết đã đưa chúng ta vượt qua rất nhiều thác ghềnh gian khổ để đi tới ngày hôm nay. Bài học ấy của công cuộc “Toàn quốc kháng chiên” đến nay và cho đến tận mai sau sẽ vẫn còn nguyên giá trị. Đó cũng chính là sức mạnh của giá trị tinh thần Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức mạnh Việt Nam