Sức nóng của giá gạo

Thanh Tiến 26/07/2023 06:44

Thời điểm này, giá lúa gạo tăng cao khiến bà con nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả doanh nghiệp xuất khẩu hết sức vui mừng. Không thể không vui khi người nông dân được cả mùa lẫn giá. Và quan trọng hơn, ngành lúa gạo đang chứng kiến sức tăng mạnh mẽ của hạt gạo ở cả chất lượng và giá trị.

Giá lúa, gạo vụ Hè Thu tăng cao khiến bà con nông dân hết sức vui mừng. Ảnh: T.Tiến.

Giá gạo thế giới đang tăng hàng ngày sau lệnh cấm xuất khẩu từ Ấn Độ. Trong nước, giá lúa gạo những ngày qua tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng liên tục tăng khiến nông dân và doanh nghiệp hồ hởi.

Cơ hội ký hợp đồng xuất khẩu giá cao

Có 2ha lúa sắp thu hoạch, ông Thành, một nông dân ở huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) cho biết, gia đình ông đang rất phấn khởi trước giá lúa hiện tại. “Cuối tuần trước, thương lái đòi đặt cọc mua lúa OM 5451 giá 6.400-6.500 đồng/kg. Sáng hôm kia đã lên 6.700 đồng có thể giá còn lên nữa. Vụ này cầm chắc lời” - ông Thành chia sẻ.

Những năm qua năng suất và giá lúa của vụ Hè Thu luôn không cao so với vụ Đông Xuân, tuy nhiên năm nay giá lúa, gạo lại đang tăng cao thậm chí gần bằng so với vụ Đông Xuân khiến nông dân vui mừng. Giá lúa gạo được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lúa gạo cũng nhận định giá gạo xuất khẩu đang cao hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, lý do là nguồn cung lương thực thế giới đang bị thiếu hụt, diện tích trồng cây lương thực tại nhiều quốc gia bị mất vì chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cực đoan…

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, những năm gần đây, nông dân đã giảm bớt phân hoá học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, vi sinh khi canh tác lúa. Nhờ đó, chất lượng hạt gạo tốt hơn và các DN gạo xuất khẩu gạo có uy tín hơn hơn trên thị trường thế giới. Trong bối cảnh giá gạo thế giới đang tăng, các DN lại càng có cơ hội để ký các hợp đồng xuất khẩu gạo với giá cao hơn. Nắm bắt cơ hội này, các DN nên ký thêm các hợp đồng xuất khẩu gạo trong năm tới nữa với giá tương lai để đảm bảo chắn chắn đầu ra hạt gạo với giá cả hợp lý.

“Tôi nghĩ các DN nên ký thêm các hợp đồng với đối tác trong năm tới nữa theo kiểu các nước trên thế giới đang bán cà phê, ngô theo giá tương lai. Bán theo giá tương lai, các DN có chắn chắn đầu ra. Các DN khi có chắn chắn đầu ra thì ngồi lại với chính quyền địa phương thuyết phục nông dân khoanh vùng trồng lúa theo đúng quy trình, chất lượng đã ký. Đây là lúc DN và nông dân cần hợp tác chặt chẽ để tăng cường uy tín, chất lượng gạo Việt Nam” - ông Xuân nói.

Giá lúa gạo tăng, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long phấn khởi.

Cẩn trọng với dự báo thời tiết cực đoan

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nông nghiệp Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang chịu áp lực rất lớn từ hiện tượng El Nino quay trở lại, đe dọa năng suất, chất lượng cây trồng nhất là lúa gạo.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, hiện tượng El Nino đang trở lại cho nên người nông dân cần phải hết sức bình tĩnh, thực hiện gieo trồng theo lịch mà ngành chức năng khuyến cáo để né được hạn hán, xâm nhập mặn sắp diễn ra. Không nên nóng vội chạy theo giá cả thị trường.

“Hiện tượng El Nino đang đến. Cục Trồng trọt cũng đang phải tính toán mùa vụ làm sao để khi gieo trồng xuống mà cuối vụ có thu hoạch. Chứ không phải thấy giá gạo lên thì cắt lúa xong là lại trồng xuống liền mà không biết sắp tới đây nguồn nước như thế nào, nhiệt độ, xâm nhập mặn ra sao. Bà con phải hết sức bình tĩnh, đừng để gieo trồng xuống rồi là không thể gỡ được. Gieo trồng xuống tới lúc gần thu hoạch mà hạn mặn thì chỉ có nhìn cây lúa chết thôi chứ không làm gì được hết” - ông Tùng nói và cho rằng 5 năm gần đây các khuyến cáo của các cơ quan khí tượng thuỷ văn và ngành nông nghiệp rất chính xác, nhờ đó giảm thiệt hại rất nhiều cho bà con nông dân nếu như tuân thủ đúng theo khuyến cáo.

“Như hồi năm 2015-2016 là thông tin chưa kịp thời mình mất 1 triệu tấn lúa. Đến năm 2019-2020, có thông tin kịp thời, sắp xếp mùa vụ lại, vận hành hệ thống thuỷ lợi hợp lý, khuyến cáo bà con đừng xuống giống hoặc xuống giống sớm hơn để khi lúa chín rồi ngăn mặn, đồng ruộng khô hạn thì cây lúa cũng đã vào giai đoạn thu hoạch, không gặp vấn đề gì” - ông Tùng dẫn chứng.

Nói về thách thức của biến đổi khí hậu, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, nhờ Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL, ngành nông nghiệp của vùng đã có sự chuyển dịch các mô hình sản xuất theo hướng “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nên những vùng sản xuất linh hoạt với điều kiện tự nhiên, các ngành hàng phù hợp với xu thế tiêu dùng, thị trường hơn. Sản xuất nông nghiệp của vùng từng bước đạt được những thành tựu mới…

“Thay vì cố trồng lúa ở những nơi không phù hợp, mình phân ra vùng gần biên giới Campuchia (An Giang, Đồng Tháp) trồng 3 vụ lúa vì chỗ đó không bao giờ thiếu nước ngọt và không bao giờ bị nhiễm mặn. Vùng ven biển giờ tập trung trồng 1 vụ lúa vào mùa mưa. Thu hoạch lúa xong đưa nước mặn vào nuôi tôm. Vùng giữa không làm 3 vụ lúa nữa mà khuyến khích nông dân trồng cây ăn trái” - ông Xuân nói.

Được biết, hiện Bộ Công thương, Cục Trồng trọt tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường gạo toàn cầu và có những khuyến cáo kịp thời trong mọi tình huống để vừa tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo giá cao, bảo đảm an ninh lương thực trong nước, cũng như giữ vững thương hiệu gạo Việt.

Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, sắp tới là vụ lúa Đông Xuân, là vụ lúa chính, năng suất cao nhất và lợi nhuận cao nhất. Bà con nông dân nên bình tĩnh và tuân thủ việc bố trí mùa vụ của các cơ quan chuyên môn ở địa phương và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khi đó, dù giá lúa không tăng những nông dân vẫn có lúa để bán, còn hơn là vội vã chạy theo giá lúa ngay từ bây giờ để rồi phải hứng chịu thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức nóng của giá gạo