Những ngày này, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, là nỗi lo của toàn thể cộng đồng. Nhưng nhiều nghệ sĩ đã vượt qua nỗi sợ hãi đó, quyết tâm treo tranh để phục vụ những người yêu nghệ thuật.
Thời gian này ở nhà triển lãm Mỹ Thuật số 16 Ngô Quyền, Hà Nội đang diễn ra song song hai cuộc triển lãm. Một là triển lãm “Ký ức” của họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng và triển lãm “Nghệ thuật đồ họa: Tranh in Việt Nam” của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Theo ghi nhận, công tác phòng chống dịch bệnh thực hiện nghiêm theo khuyến cáo. Trước khi vào xem triển lãm khách tham quan bắt buộc phải sát trùng và thực hiện khai báo y tế.
Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) cũng đang diễn ra triển lãm cá nhân có tên “Bóng mài” của họa sĩ Trần Lâm Bình. 25 bức sơn mài khổ lớn bất thường với nhiều chủ đề, từ những chân dung đầy thân phận qua bút pháp hiện thực, cho tới chân dung tự họa qua lối vẽ trừu tượng… Đặc biệt là những bức tranh về một thế giới đang oằn mình với dịch Covid-19.
Trong bức tranh “Tình thời Covid”, tác giả đã vẽ những cuộn giấy vệ sinh giăng mắc, những nụ hôn qua chiếc khẩu trang, sự xuất hiện của những con dơi và cả những khuôn mặt ưu tư của các lãnh đạo như Donald Trump… Tác giả thông qua tranh ghi lại lịch sử khi bắt đầu bùng phát dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Hay trong bức “Thiếu nữ và khẩu trang” với những chiếc khẩu trang trên gương mặt những cô gái xinh đẹp nhiều ưu tư ẩn hiện. Bức tranh như tái hiện lại về cuộc sống xung quanh của tác giả khi dịch Covid-19 bùng phát. Trong bức tranh “Thiếu nữ và khẩu trang” có người đeo khẩu trang, có người không đeo… đó là cách tạo hình độc đáo của người họa sĩ. Họa sĩ Trần Lâm Bình muốn qua tác phẩm của mình kêu gọi mọi người hãy đeo khẩu trang và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
Họa sĩ Nguyễn Thị May, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Trong thời khắc rất khó khăn của không những Việt Nam mà cả thế giới. Thì văn nghệ sĩ chúng tôi trong những ngày này càng phải hoạt động. Hoạt động ở đây không phải vì kinh tế mà đó là tinh thần muốn gửi đến cho xã hội, những người xem niềm tin vào cuộc sống luôn phát triển không ngừng. Dù có nhiều khó khăn trong thời điểm dịch bệnh như này thì chúng tôi càng khẳng định giá trị nghệ thuật với cuộc sống”.
Có thể thấy, những tác phẩm ra đời trong mùa dịch Covid-19, tuy có thời điểm khác nhau nhưng vẫn chảy mãi trong đời sống nghệ thuật. Sự kiện dịch bệnh đã thể hiện được quá trình biến đổi của đời sống xã hội và ý thức sáng tạo của người nghệ sĩ. Mỗi tác phẩm phản ánh trong mùa dịch bệnh là kết quả của hành trình đến với những miền không gian được thu về trong một cái nhìn, một cảm nhận, một suy nghiệm riêng khác.