Theo Luật Các bệnh truyền nhiễm, với bệnh dịch truyền nhiễm nhóm A như Covid-19, qua 28 ngày không phát sinh bệnh nhân mới trong cộng đồng thì có thể tính đến công bố hết dịch.
Như vậy, “thời điểm 28 ngày” đã đến. Thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 6h ngày 16/4 là ngày cuối cùng ghi nhận ca bệnh Covid-19 ở cộng đồng đến 6h ngày 13/5 Việt Nam đã trải qua 27 ngày không có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.
Niềm vui trong ngày thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội)được dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Ảnh: Quang Vinh.
Như vậy là suốt từ đầu năm tới nay, lúc căng lúc chùng tùy theo diễn biến tình hình, cả nước đã gồng mình chống dịch. Trong cuộc chiến cam go ấy, bằng tinh thần chủ động và quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, mỗi khu dân cư là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch- chúng ta đã kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Đặc biệt, việc dịch bùng phát trong cộng đồng đã không xảy ra, không xuất hiện đỉnh dịch. Tới thời điểm này số người phải điều trị Covid-19 còn lại rất ít và đều có tiên lượng tốt, không có ca tử vong, trừ trường hợp bệnh nhân 43 tuổi người Anh diễn biến bệnh phức tạp, nhiều nguy cơ đang được tận tình cứu chữa.
Ngày 12/5, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, ông Kidong Park-Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã chúc mừng Việt Nam khi trải qua 26 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. “Tôi đã rất ngạc nhiên với ứng phó của Việt Nam trong từng giai đoạn của dịch bệnh. Các bạn nắm bắt thông tin rất nhanh, việc áp dụng công nghệ thông tin cũng rất nhanh nhạy và hiệu quả. Thông tin chia sẻ từ Việt Nam cũng rất minh bạch kịp thời” - ông Kidong Park nói.
Trong khi cả thế giới lao đao vì Covid-19 thì thành công của Việt Nam là điều hết sức quan trọng, là sự thần kỳ. Chúng ta từng dự báo có tới 1000 người mắc Covid-19 khi đỉnh dịch xuất hiện, và cũng lên phương án có tới 30.000 người mắc SARS-CoV-2. Chính thái độ lường trước khó khăn đã đem đến cho chúng ta tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh từ đó toàn dân đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước dập dịch.
Còn nhớ những ngày đầy lo âu khi Sơn Lôi rồi Hạ Lôi, Trúc Bạch, Bệnh viện Bạch Mai buộc phải phong tỏa. Người người dõi theo đầy lo lắng nhưng cũng thật điềm tĩnh. Tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, Nhà nước, ngành Y tế, người dân cả nước chấp nhận nhiều điều bất tiện để triệt để thực hiện giãn cách xã hội kể từ 0 giờ ngày 1/4. Cảm xúc của người dân cả nước, nhất là của người Hà Nội thời gian qua là rất đặc biệt, nhất là trong những thời điểm quan trọng. Đêm 6/3, Hà Nội công bố bệnh nhân đầu tiên nhiễm Covid-19 (BN17); một đoạn phố Trúc Bạch bị phong tỏa. 0 giờ ngày 20/3, dỡ bỏ phong tỏa khu phố Trúc Bạch. 0 giờ ngày 12/4, lệnh phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai được dỡ bỏ sau 14 ngày “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. 0 giờ ngày 6/5, thôn Hạ Lôi cũng hết thời hạn cách ly. Đó là những thời điểm thật đáng nhớ của những ngày tháng đầy nguy cơ đến từ Covid-19.
Cho nên, vui mừng khôn xiết khi sắp tới 28 ngày cả nước không xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng. “Và con tim đã vui trở lại” khi trên các đường phố, những thôn làng đã nhộn nhịp. Vui mừng nhưng không chủ quan vì dịch bệnh có thể quay trở lại, nhận thức được điều đó nên người dân vẫn nêu cao tinh thần cảnh giác, bảo vệ mình cũng là bảo vệ cộng đồng.
Những ngày qua, kể từ lúc Chính phủ công bố nới lòng giãn cách xã hội (ngày 23/4), cả nước chuyển sang một giai đoạn mới: Tăng tốc khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội đồng thời với việc tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19. Không khí mới, sức sống mới lan tỏa trong xã hội. Đặc biệt, ngày 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”. Đây được xem là “Hội nghị Diên Hồng” trong bối cảnh nền kinh tế như “lò xo nén lại” vì dịch Covid-19 và nay đang chờ bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam. Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh lúc này không bàn lùi, không than nghèo, kể khổ mà phải đề xuất ý tưởng, đưa ra giải pháp để đất nước đi lên.
Khi dịch bệnh chính thức được đẩy lùi trên đất nước ta, không khí mới, sức sống mới càng mạnh mẽ hơn nữa. Điều quan trọng là trước đây chúng ta đã chứng tỏ tinh thần “chống dịch như chống giặc” thì giờ đây phải là tinh thần “chống trì trệ như chống dịch”. Những tháng qua, đại dịch đã gây ra nhiều sứt mẻ không khỏi khiến có lúc, có nơi nhụt ý chí. “Virus trì trệ” vì thế có nguy cơ lây lan. Nói như Thủ tướng thì “virus trì trệ nằm ngay trong chính bản thân chúng ta, tổ chức của chúng ta, địa phương của chúng ta, doanh nghiệp của chúng ta”. Nhận diện được nó thì sẽ có cách chế ngự nó, tìm ra được sự vượt thoát và bứt phá.
Niềm tin ấy là có cơ sở khi chứng kiến 20 ngày nới lỏng giãn cách xã hội vừa qua, sức sống mới đã được nhen lên. Với tất cả những nỗ lực đã qua và niềm tin không lay chuyển, chúng ta chờ giờ phút đất nước công bố hết dịch và bước vào giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ và đầy hứng khởi.