Năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, đội ngũ cán bộ Mặt trận thuộc thế hệ 8X được kỳ vọng mang đến nguồn sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trước thềm Đại hội X, MTTQ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bến Tre chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết những suy nghĩ, trách nhiệm của những người trẻ với công tác Mặt trận trong giai đoạn mới.
PV: Thưa bà, từng có quan niệm, làm công tác Mặt trận là dành cho những người lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm. Là một người thuộc thế hệ 8X nhưng lại đảm đương trọng trách Chủ tịch Ủy ban MTTQ của một tỉnh, bà cảm thấy thách thức lớn nhất của mình là gì?
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung: Đúng là từ lâu quan niệm người làm cán bộ Mặt trận phải là những người lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm mới có thể lãnh đạo, điều hành công tác Mặt trận. Bởi đối tượng Mặt trận tiếp xúc rất đa dạng các thành phần, các giới, độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên, đất nước ngày càng phát triển, cán bộ ngày càng được đào tạo bài bản, bên cạnh những cán bộ lớn tuổi, có kinh nghiệm cũng rất cần những cán bộ trẻ, năng động, sáng tạo.
Trong quá trình tham gia công tác Mặt trận, bản thân tôi cũng phải đối diện với một số thách thức khi chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam ngày càng mở rộng, đa dạng trên các lĩnh vực, đòi hỏi người lãnh đạo phải am hiểu toàn diện các mặt công tác, phải có bản lĩnh “dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm” và phải tiên phong đi vào việc khó, việc mới, là người truyền cảm hứng hành động cho cán bộ MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên. Bởi vậy, không chỉ tôi mà những cán bộ trẻ làm công tác Mặt trận phải tập trung rèn luyện để đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn, phải đầu tư nghiên cứu, xác định phương pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ thật sự khoa học, có trọng tâm, trọng điểm, nỗ lực đảm nhận việc khó, việc mới để tạo ra những sản phẩm công việc cụ thể góp phần thúc đẩy sự phát triển công tác Mặt trận.
Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội X MTTQ Việt Nam đặt ra những yêu cầu mới cao hơn cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận. Bà có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về trách nhiệm và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ trong giai đoạn hiện nay?
- Với khát vọng cống hiến, thế hệ chúng tôi luôn tâm niệm phải năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc. Thực hiện được việc gì có ích cho người dân, cho xã hội dù nhỏ thì bản thân cảm thấy hạnh phúc, được tạo động lực, truyền cảm hứng hành động. Phải không ngừng học hỏi, học từ người đi trước, học trong nhân dân, học từ thực tiễn để tích lũy kinh nghiệm và xây dựng niềm tin trong nhân dân. Trong lãnh đạo luôn quyết liệt, sâu sát, cầu thị, khiêm tốn, không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, trình độ và tích lũy kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa vai trò, trọng trách mà Đảng và Nhân dân giao. Có như vậy mới hoàn thành tốt nhiệm vụ tập hợp rộng rãi quần chúng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Với tinh thần đổi mới, trong nhiệm kỳ X, nhiều nhiệm vụ mới được Mặt trận đặt ra: Xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc; phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát. Với trách nhiệm của mình, những người làm công tác Mặt trận tỉnh Bến Tre sẽ có những giải pháp cụ thể gì để tạo ra sức bật cho các phong trào ý nghĩa này?
- Chúng tôi rất tâm đắc khi văn kiện Đại hội đã xác định những nội dung cụ thể về xây dựng “khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc” để trình Đại hội xem xét, quyết định với mục tiêu người dân đồng thuận các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình an ninh được đảm bảo an toàn, người dân an tâm phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Thông qua thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ tỉnh Bến Tre sẽ đề ra tiêu chí cụ thể và hướng dẫn MTTQ các cấp phối hợp thực hiện, chỉ đạo mỗi xã, phường, thị trấn lựa chọn xây dựng ít nhất 1 điểm “khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc” để đúc kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng phương pháp thực hiện.
Để thực hiện tốt nội dung trên, Mặt trận tỉnh Bến Tre tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” giai đoạn 2024-2025, tập trung thi đua “xóa nhà tạm, nhà dột nát” cho người nghèo; giảm nghèo bền vững và vận động tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước; phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư qua đó tập hợp, lắng nghe, đoàn kết nhân dân và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân...
Để thực hiện nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu Tỉnh ủy và phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND phát động kêu gọi sự ủng hộ từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn cùng chung tay thực hiện, qua đó góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện đạt hiệu quả phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh, đồng thời giao chỉ tiêu cụ thể, trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành.
Chúng tôi quyết tâm phấn đấu đến tháng 4/2025 nhân kỷ niệm 50 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước sẽ thực hiện xong công tác huy động nguồn lực và hoàn thành việc xóa 1.611 căn nhà tạm, dột nát trên địa bàn. Đây cũng là công trình được MTTQ tỉnh Bến Tre đăng ký thực hiện để chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Với tâm thế mới, khí thế mới bước vào một nhiệm kỳ mới, bà có mong muốn, kỳ vọng gì gửi tới Đại hội X MTTQ Việt Nam?
- Tôi mong muốn nhiệm kỳ mới, Đại hội sẽ có những giải pháp để xây dựng hình mẫu người cán bộ Mặt trận với những tiêu chí cụ thể như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến luôn tâm đắc, kỳ vọng “Tận tụy để dân mến/Trách nhiệm để dân thương/Kỷ cương để dân trọng/ Năng động để dân được nhờ”.
Trân trọng cảm ơn bà!