Thông tin về việc 30 trẻ em ở Hưng Yên cắt bao quy đầu bị sùi mào gà đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Đình chỉ công tác y sĩ chữa bệnh “chui”
Vụ việc hàng loạt trẻ ở Khoái Châu, Hưng Yên mắc sùi mào gà sau khi cắt bao quy đầu tại phòng khám không có giấy phép của y sĩ Hoàng Thị Hiền (ở Dạ Trạch, Khoái Châu) đặt ra nhiều câu hỏi: Nguyên nhân nào dẫn đến sùi mào gà tập thể, tại sao đồng loạt nhiều trẻ em lại bị sùi mào gà?
Trong khi đó, theo thống kê mới nhất của bệnh viện Da liễu Trung ương, số trẻ ở Khoái Châu phải nhập viện điều trị căn bệnh này trong hơn hai tháng qua đã là 52 cháu.
Sáng 19/7, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế - PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã yêu cầu Sở Y tế Hưng Yên khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ việc nhiều bé trai bị viêm nhiễm sùi mào gà.
Trước mắt tạm đình chỉ công tác đối với bà Hoàng Thị Hiền tại Trạm Y tế xã Mỗ Sở, huyện Văn Giang; yêu cầu bà Hiền kiểm điểm và báo cáo trung thực về hoạt động khám, chữa bệnh tại cơ sở ở Khoái Châu, Hưng Yên. Nếu cần thiết đề nghị Công an vào cuộc để điều tra.
Bên cạnh đó, yêu cầu Sở Y tế Hưng Yên phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Da liễu Trung ương tổ chức thăm khám, điều trị cho các trường hợp mắc bệnh.
Trường hợp vượt quá khả năng điều trị của địa phương cần chuyển lên Bệnh viện Da liễu Trung ương để điều trị nhằm đảm bảo sức khỏe cho các cháu; đồng thời hỗ trợ tối đa đối với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.
Kết quả sơ bộ bước đầu xác minh trên địa bàn xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu có cơ sở khám, chữa bệnh của bà Hoàng Thị Hiền, đang công tác tại Trạm Y tế xã Mỗ Sở, huyện Văn Giang, hành nghề ngoài giờ tại nhà riêng.
Bà Hiền có chứng chỉ hành nghề, văn bằng chuyên môn: Y sĩ đa khoa, phạm vi hoạt động chuyên môn: Thực hiện chuyên môn kỹ thuật của điều dưỡng. Cơ sở khám chữa bệnh của bà Hiền không có biển hiệu, trong cơ sở có 1 giường khám, 1 tủ thuốc, 1 bộ panh kéo, bông, cồn, 1 bộ huyết áp kế, 1 ống nghe tim phổi. Cơ sở của bà Hiền chưa được cấp giấy phép hoạt động.
Sớm ngăn chặn nhiễm vi rút HPV trong cộng đồng
Trả lời Đại Đoàn Kết vào chiều ngày 19/7, BS Lê Công Tước – Phó Giám Đốc Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang cho rằng: Việc trẻ em bị sùi mào gà tập thể ở Hưng Yên là việc rất đáng quan tâm. Bệnh sùi mào gà (do virus HPV) được coi là bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Ngoài ra, sùi mào gà còn lây qua tiếp xúc với vết xước ở da hoặc do dùng chung đồ dùng sinh hoạt với người bị mắc bệnh.
Ông Tước cũng khuyến cáo, bệnh nhân bị nhiễm vi rút HPV rất khó để tự khỏi. Tuy vậy, để điều trị sùi mào gà có nhiều phương pháp can thiệp khác nhau, như bôi thuốc ngoài da, phẫu thuật. Nhưng các bậc cha mẹ đừng để những bệnh nhân nhi bị sang chấn về tâm lý.
Trở lại với vụ việc nói trên, theo tường trình, bà Hiền có thực hiện việc khám, nong và rửa vệ sinh bao quy đầu, sau đó cho các cháu dùng thuốc và hẹn bệnh nhân 2 ngày đến làm vệ sinh một lần.
Mỗi bệnh nhân thu từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Cơ sở không ghi chép số sách theo dõi nên không nắm được cụ thể số lượng bệnh nhân.
Trong khi thực hiện dịch vụ kỹ thuật, bà Hiền dùng găng tay thông thường. Bà Hiền cho biết chỉ nong dính cho các cháu viêm dính bao quy đầu, không làm chích rạch bằng dụng cụ.
Đoàn kiểm tra, xác minh đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, kiến nghị mức xử phạt các hành vi theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế vì hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; hành vi bán thuốc cho người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 6 đến 12 tháng.
Giám đốc Sở Y tế Hưng Yên cho biết, về việc xác định nguyên nhân gây bệnh, Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Da liễu Trung ương tiến hành điều tra nguyên nhân theo chỉ đạo của Bộ Y tế để có giải pháp ngăn chặn các trường hợp tương tự trong cộng đồng.
Sùi mào gà là bệnh do nhiễm virus Human papillomavirus (HPV) biểu hiện ở vùng sinh dục, đặc trưng bởi các sẩn hoặc mảng có màu da hoặc tăng sắc tố. Sùi mào gà có thể lây truyền qua đường tình dục hoặc không. Ở trẻ nhỏ, HPV đa số không phải do lây truyền qua đường tình dục. Các đường nhiễm HPV ở trẻ em thường gặp là qua tiếp xúc với người chăm sóc trực tiếp; Tự lây truyền từ tổn thương do HPV gây ra ở vùng niêm mạc hoặc da; Do bị lạm dụng tình dục; Truyền từ mẹ bị nhiễm HPV sinh dục trong quá trình sinh nở… |