Theo một báo cáo đăng trên tạp chí y khoa Lancet (Anh) mới đây, khoảng 1/3 các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang đối mặt gánh nặng kép về dinh dưỡng (tình trạng thừa cân béo phì và suy dinh dưỡng, nhẹ cân), đe dọa đến nỗ lực phát triển của họ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là chế độ ăn uống kém dinh dưỡng và lười vận động.
Ảnh minh họa.
Báo cáo ước tính gần 2,3 tỉ trẻ em và người lớn trên thế giới bị thừa cân trong khi hơn 150 triệu trẻ em chậm phát triển thể chất. Cả 2 dạng suy dinh dưỡng này đều liên quan đến các vấn đề sức khỏe và tử vong sớm, từ đó đè nặng lên hệ thống y tế và năng suất lao động của một nước. Gánh nặng này nặng nề nhất tại một số quốc gia châu Phi, châu Á.
Theo ông Francesco Branca- Giám đốc bộ phận Dinh dưỡng sức khỏe và phát triển tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chúng ta đang đối mặt với thực trạng dinh dưỡng mới. Suy dinh dưỡng không còn được xem là vấn đề của riêng nước nghèo hay béo phì không chỉ là mối bận tâm duy nhất của các nước thu nhập cao. Tất cả các dạng suy dinh dưỡng đều có điểm chung, đó là hệ thống thực phẩm không cung cấp chế độ ăn uống lành mạnh, an toàn, giá cả phải chăng và bền vững.
Vẫn theo vị chuyên gia này, cần có sự thay đổi trong các hệ thống thực phẩm, từ sản xuất và chế biến cho đến tiêu dùng. “Tất cả chính sách và đầu tư có liên quan phải được xem xét triệt để” - ông Branca nói.
Tuy nhiên, theo WHO, vấn nạn suy sinh dưỡng đã được nhiều lần cảnh báo, nhưng không phải chính phủ quốc gia nào cũng lưu tâm một cách đầy đủ. Đặc biệt, với những quốc gia nghèo thì đây quả là thách thức lớn, trong lúc nguồn vốn đầu tư phát triển không nhiều thì người ta cũng “cố quên” chính sách cần thiết cho những đứa trẻ.