Tà áo dài trong đời sống đương đại

Minh Quân 20/10/2023 08:57

Chiếc áo dài từ lâu đã gắn liền với hình ảnh duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Theo thời gian, với nhiều cách tân, tà áo dài luôn theo xu hướng hòa nhịp với thời cuộc. Thời gian qua, xuất hiện nhiều nhà thiết kế, nhiều nhà may và cũng nhiều cuộc triển lãm riêng của áo dài. Tuy nhiên, việc cách tân tà áo dài truyền thống không phải lúc nào cũng được hoan nghênh.

Festival Áo dài Huế - Chuyện kể từ dòng sông. Ảnh: N.Minh.

“Đại sứ văn hóa”

Theo số liệu thống kê, trong 15 năm trở lại đây, hoạt động quảng bá và tôn vinh vẻ đẹp của áo dài đã tổ chức rộng khắp trên cả nước, thậm chí đã vươn tầm ra quốc tế. Có thể kể đến như Lễ hội Áo dài TPHCM vào đầu năm cũng là thời điểm kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3) và kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4); Lễ hội Áo dài Huế (20 tháng 5 âm lịch); Lễ hội Áo dài Hà Nội dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10) và Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10). Nhiều năm qua, hình ảnh chiếc áo dài không chỉ xuất hiện trong các dịp lễ tết, các sự kiện mang tính giải trí mà còn hiện diện ở các sự kiện quốc tế, sự kiện ngoại giao... Ở đó, không chỉ có các nữ lãnh đạo, các phu nhân của Việt Nam mặc áo dài, mà áo dài còn trở thành trang phục được lựa chọn của nhiều nguyên thủ, lãnh đạo, phu nhân, nhà ngoại giao các nước mỗi khi đến Việt Nam.

Tuy chưa có con số cụ thể về tác động về kinh tế mà Lễ hội áo dài mang lại, nhưng quan sát thực tế chúng ta có thể thấy rõ lợi ích mà các hoạt động quảng bá áo dài mang lại. Đáng chú ý, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chiến lược áo dài bài bản và dài hơi. Không chỉ tổ chức Lễ hội, từ năm 2020, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh này đã khởi động xây dựng Đề án “Huế - Kinh đô áo dài” với nhiều hoạt động thiết thực nhằm đưa áo dài làm sản phẩm đặc trưng của Huế. Chỉ hơn 3 năm, việc phục hưng áo dài truyền thống đã đạt được nhiều thành công. Không chỉ là phong trào hay khẩu hiệu, tác động tích cực của Đề án “Huế - Kinh đô áo dài” đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, văn hóa luôn là nền tảng trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay. Và áo dài là một trong những vật thể có đủ “quyền lực” để truyền tải những thông điệp thời đại của Việt Nam đến với thế giới. Cho đến thời điểm này, áo dài đã trở thành niềm tự hào và cũng là một trong những đại diện về bản sắc không thể thay thế. Áo dài đã ghi dấu những giá trị thời đại qua những thông điệp lan tỏa sự tích cực cho cuộc sống.

“Áo dài chính là di sản của Việt Nam và khi đã là di sản thì nội lực là vô cùng. Áo dài cũng chính là đại sứ mang thông điệp về sự chuyển động tích cực của cuộc sống, về những mong ước thành tựu trong thời đại toàn cầu hoá” - nhà thiết kế Minh Hạnh bày tỏ.

Lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 8. Nguồn: VGP.

Nỗi lo “muôn hình vạn trạng”

Tuy nhiên, cùng với sự nở rộ, phát triển các lễ hội, show diễn áo dài… thì vẫn còn đó những lo lắng. Một số chương trình diễn áo dài dù được tổ chức hết sức quy mô nhưng người tổ chức và người tham gia lại thiếu kiến thức về giá trị lịch sử, đặc điểm thẩm mỹ và bản sắc văn hóa của áo dài. Chính những nhận thức chưa đầy đủ này đã dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở” trong những show diễn áo dài. Sự kiện được tổ chức tuy “hoành tráng” nhưng thiếu những điểm nhấn quan trọng giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn về áo dài, có ý thức bảo tồn và phát triển áo dài, nâng tầm áo dài lên thành những giá trị văn hóa cao.

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm Trung tâm hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống - Đình làng Việt cho rằng, hiện tượng sử dụng thêu, vẽ… lên trang phục là một xu hướng của thời trang hiện đại. Nhưng cách xử lý tạo hình ra sao để nâng tầm vẻ đẹp áo dài lên là điều cần bàn. Nhiều nhà thiết kế, những người may áo dài đã lạm dụng tà áo có kích thước dài, rộng để in, vẽ nhiều hình ảnh lên áo. Điều này dễ dẫn đến tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ trong việc sử dụng hình ảnh, và cả vi phạm vào những vấn đề liên quan tới thuần phong mỹ tục, tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt cũng như của các dân tộc, quốc gia khác. Không những vậy, việc sử dụng hình ảnh tràn lan trên áo dài đã biến áo dài thành tấm pano, áp phích, tấm vải vẽ tranh minh họa chứ không còn là trang phục, biểu tượng văn hóa Việt Nam.

Trình diễn áo dài trong sự kiện “Áo dài của chúng ta” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).Ảnh: Tuấn Đức.

Cũng theo ông Bình, các hoạt động Lễ hội áo dài được tổ chức đã trình diễn các loại áo dài “muôn hình vạn trạng”, khiến nhiều người nghi ngờ loại trang phục này có đúng là áo dài hay không? “Dù là áo dài ngũ thân truyền thống hay áo dài hiện đại cũng luôn cần có những nghệ nhân, người trực tiếp làm nghề. Thế nhưng trong nhiều Lễ hội áo dài, hoạt động quảng bá áo dài thường thiếu vắng đội ngũ này” - ông Bình bày tỏ.

Theo thời gian, áo dài khẳng định được vị thế bởi có sự chuẩn mực và phù hợp với con người cũng như khí hậu Việt Nam. Việc điều chỉnh áo dài cho phù hợp hơn với đời sống hiện đại cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, để áo dài luôn giữ được cốt cách cũng như vẻ đẹp vốn có, “hòa nhập nhưng không hòa tan” cũng cần đến việc xác định quy chuẩn vì trên thực tế áo dài đã trở biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam, quảng bá văn hóa Việt Nam.

Gìn giữ, phát huy vẻ đẹp của chiếc áo dài Việt Nam cần đến sự chung tay của cả cộng đồng. Cho dù cách tân, cách điệu đến đâu thì vẫn phải toát lên vẻ đẹp văn hóa vốn làm nên thương hiệu cho chiếc áo dài Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tà áo dài trong đời sống đương đại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO