Bộ Tài chính đang dự thảo đề cương xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Thuế Tiêu thụ đặc biệt; Thuế Thu nhập doanh nghiệp; Thuế Thu nhập cá nhân và Thuế tài nguyên. Trong đó đáng chú ý là việc đề xuất mở rộng các đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), tăng thuế VAT từ 10% lên 12% từ năm 2019.
PGS TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính đã trao đổi cùng PV Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PGS TS Đinh Trọng Thịnh.
PV: Thưa ông, hiện nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, các Luật về thuế vừa mới được Quốc hội sửa và ban hành mới đây. Giờ lại tiếp tục sửa liệu có hợp lý khi chúng ta vừa mới sửa xong, làm sao để cho chính sách ổn định, tránh sự thay đổi liên tục?
PGS TS Đinh Trọng Thịnh: Hệ thống thuế của ta hiện nay chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, và phù hợp với các nước ASEAN, tức là khi chúng ta đã tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) rồi, lúc đó các chính sách về kinh tế và thuế phải dần dần đi theo cái chung của thế giới.
Nhưng hiện nay chính sách thuế của ta chưa phù hợp, mặc dù đã thay đổi nhiều trong thời gian vừa qua. Vì thế để phù hợp với các quốc gia trong Đông Nam Á, khi tham gia AEC thì phải có sắc thuế và Luật thuế tương đương với các nước trong ASEAN. Một số loại phí trước kia ta quy định nhưng không phải là Luật nên tính pháp lý thấp nên giờ nâng lên thành Luật.
Ví dụ như Thuế tài sản, cho nên cơ cấu lại thuế theo yêu cầu của các nước khi chúng ta tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng như tham gia vào liên minh kinh tế là đòi hỏi bắt buộc.
Thực tế thì hiện nhiều ý kiến băn khoăn về đề xuất mở rộng các đối tượng chịu thuế VAT, tăng thuế VAT từ 10% lên 12% từ năm 2019. Quan điểm của ông thì sao?
- Xu thế chung trên thế giới hiện nay đang thay đổi, chủ yếu sử dụng thuế gián thu (VAT), thay vì thuế trực thu. Ngay cả các nước phát triển như liên minh EU hay Mỹ cũng đang dần dần thay đổi chính sách thuế trực thu.
Vì chính sách thuế trực thu đánh trực tiếp vào các đối tượng chịu thuế ở các doanh nghiệp, hay những người trực tiếp hưởng lợi ích kinh tế từ hoạt động của mình. Do đó chúng ta phải thay đổi, hướng tới cố gắng thay đổi thuế trực thu, và tăng thuế gián thu.
Trong trào lưu chung, như các nước liên minh EU trước đây những thuế gián thu VAT tính bình quân của liên minh EU chỉ 19% nhưng đến năm 2016 lên đến 21,4%.
Hay các nước trong Đông Nam Á trước đây thuế gián thu cũng thấp nhưng đến năm 2016 các nước hầu hết ở mức 17%. Nước tương đối thấp như Philippin là 14%, còn nước ta là 10% là thấp hơn với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên thuế VAT chỉ là một phần, mà quan trọng là phải xem xét lại toàn bộ hệ thống thuế. Trong đó, ví dụ như 5 sắc thuế đưa ra để tham khảo ý kiến thì thuế thu nhập doanh nghiệp trước đây của chúng ta rất cao là 32%, giờ đã giảm dần xuống 25%, và đang giảm dần xuống mức 20-22% trong thời gian tới.
Đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì tỷ suất thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm đáng kể chỉ ở tầm 15-17% như phương án trong dự thảo.
Như vậy thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm đi đáng kể. Đối với thuế thu nhập cá nhân trước đây chia làm 7 mức, và bắt đầu từ 5 triệu đồng với thuế suất 5%, 10 triệu đồng thuế suất là 10%, còn bây giờ chỉ có 5 mức và ngưỡng chịu thuế nâng lên bắt đầu từ 10 triệu đồng trở lên mới phải chịu thuế.
Từ 10-30 triệu thuế suất là 10% nên những người ở 20-30 triệu đồng được lợi hơn trước. Vì trước đây họ phải chịu thuế 20%. Cho nên về cơ bản là giảm đi so với trước đây, người có thu nhập sẽ được hưởng thu nhập cao hơn trước vì thuế thu nhập thấp hơn.
Như vậy vừa tạo điều kiện cho người lao động tái tạo sức lao động và phục hồi sức sản xuất, cũng như đáp ứng nhu cầu về đào tạo, học tập, bồi dưỡng, và khuyến khích những người có đầu tư lớn, nhiều thì họ sẽ được hưởng lợi ích lớn.
Còn những người có vốn tài sản bỏ đầu tư kinh doanh nhiều, có thu nhập cũng sẽ được hưởng cao hơn. Như vậy mức chênh lệch giữa thấp nhất và cao nhất là 7-8 lần, tạo ra mức công bằng hơn so với nước có thuế thu nhập cá nhân trong khu vực.
Đơn cử tại Thái Lan sự chênh lệch thu nhập giữa tầng lớp cao với tầng lớp thấp là 30-40 lần, còn ở ta chỉ 7-8 lần để tạo ra mức công bằng. Cho nên giảm ở những thuế trên thì tăng ở thuế VAT.
Thuế xuất nhập khẩu hiện đang giảm đi một cách rất nhanh, và theo cam kết của hầu hết các đối tác lớn, thị trường lớn trong một vài năm tới sẽ phải giảm thuế xuất nhập khẩu từ 0-5%, và giảm đi rất nhiều so với trước đây chúng ta đánh thuế từ 40-70% đối với các loại hàng hóa nhập khẩu. Điều đó cũng làm cho giảm thu ngân sách Nhà nước từ nhập khẩu cũng rất lớn.
Ngân sách nhà nước phải đảm bảo nguồn thu để chi tiêu các nhu cầu cho nền kinh tế, giảm 3-4 loại thuế thì tăng 1 loại thuế, việc tăng hoàn toàn nằm trong phạm vi các quốc gia trong khu vực hay thế giới đang sử dụng. Kể cả các nước có sự phát triển thấp hơn ta như Lào hay Myanmar đều có mức thuế VAT cao. Nếu giảm tất cả thì ngân sách lấy đâu ra mà chi tiêu?
Nhưng cũng có những lo ngại rằng chúng ta tăng thuế để bù đắp cho những chi tiêu không hiệu quả trong thời gian qua?
- Đó là hai vấn đề khác nhau. Nhiều năm qua mức chi thường xuyên 60-70% nên giành cho đầu tư phát triển rất thấp. Vì thế phải đi vay trong và ngoài nước để thực hiện đầu tư công cũng như thực hiện các chính sách phát triển kinh tế làm cho ngân sách nhà nước bị thâm hụt, làm cho vay nợ công nợ nước ngoài tăng lên khủng khiếp.
Trong đầu tư công, nhiều công trình chục nghìn tỷ đắp chiếu gây lãng phí. Cái này cần chỉnh đốn và cương quyết cắt giảm trong thời gian tới làm cho chi tiêu thường xuyên giảm, đầu tư công đi đúng vị trí phát huy hiệu quả làm cho nền kinh tế được nhờ bởi các công trình đầu tư công chứ không phải gánh nặng.
Lúc đó kinh tế mới có thể cất cánh. Và đây là đòi hỏi lớn nhưng là mảng vấn đề khác của ngân sách nhà nước. Đó là quản lý, giám sát, cơ cấu lại chi tiêu công. Còn thuế là cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước.
Hai vấn đề này cần tách biệt ra, không nên kéo nhằng hai cái lại với nhau. Có như vậy mới giải quyết được, chứ kéo tất cả lại thành “bùi nhùi” không biết đầu ở đâu, đuôi ở đâu để kéo ra thì nguy hiểm. Cho nên cái gì ra cái đấy.
Nhưng nhiều lo ngại rằng chúng ta tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, thưa ông?
- Điều đó cũng không hẳn. Về nguyên lý sẽ làm giảm tiêu dùng vì tăng thuế lên là đánh vào người tiêu dùng. Nhưng VAT là đánh theo nhóm mặt hàng.
Những mặt hàng thông dụng nhiều người tiêu dùng chúng ta có thể hạ thuế suất hay giữ nguyên thuế suất như cũ. Còn những mặt hàng tiêu dùng của tầng lớp có thu nhập cao có thể đánh theo thuế suất cao.
Khi bù trừ lại thì có mức thuế suất 12%. Tuy nhiên thuế thu nhập doanh nghiệp giảm đi, các chủ doanh nghiệp có thu nhập lớn sẽ đầu tư nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn, thưởng cho người lao động nhiều hơn nên chi tiêu tăng lên. Còn đối với người lao động thì thuế thu nhập cá nhân giảm đi, có nghĩa thu nhập bình quân chung của người dân tăng lên.
Trong khi đó thuế nhập khẩu giảm đi làm cho giá hàng hóa nhập khẩu và nguyên vật liệu giảm nên các hàng sản xuất trong nước cũng giảm giá thành. Khi giá thành giảm thì nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng lên.
Mặc khác việc tăng 2% từ 10-12% là không lớn vì nó đánh trên phần giá trị tăng thêm của các sản phẩm. Ví dụ như Sam Sung nhập các nguyên vật liệu, phụ kiện nước ngoài về là 80% giá trị, chỉ có 20% là giá trị tăng thêm ở trong nước thì cơ quan thuế đánh 20% ở giá trị tăng thêm đó.
Trước kia đánh 10% doanh nghiệp nộp 2%, bây giờ tăng lên 12% thì doanh nghiệp nộp 2,4%, nghĩa là tăng thêm 0,4%. Trong khi thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu giảm đi rất nhiều nên việc VAT tăng thêm gần như không đáng kể so với phần giảm đi của các Luật thuế khác.
Trân trọng cảm ơn ông!