Từng đạt giải Nhất Văn học tuổi 20 với truyện dài “Người ngủ thuê”, nhà văn Đỗ Nhật Phi (tên thật là Đỗ Minh Quân, sinh năm 1991) đã mang tới làn gió mới cho dòng văn chương 9X bởi sự bứt phá trong việc diễn đạt nội tâm cùng những cơn mơ ảo giác mộng mị với văn phong mới mẻ. Đã công bố “Người ngủ thuê” - truyện dài, NXB Trẻ, 2014; “Nhật kí một người cô đơn” - tập truyện ngắn, NXB Thế giới, 2015, hiện Đỗ Nhật Phi đang sống và làm việc tại Hà Nội.
PV: Trong thời gian qua, Nhật Phi có duy trì việc sáng tác không? Tác phẩm của anh đang viết là gì?
Nhà văn Đỗ Nhật Phi: Sáng tác là việc của những quá trình dài, tôi cũng chưa khi nào không nghĩ về nó. Sẽ có những quãng nghỉ dài hơn những quãng nghỉ khác. Tập truyện dài vừa xong của Nhật Phi đang được “ngâm” ở các đơn vị xuất bản chờ được duyệt. Còn tác phẩm tới đây có lẽ sẽ là một tập truyện ngắn khoa học viễn tưởng và hậu tận thế.
Khi chạm vào thế giới trong anh, đó là những ảo giác và giấc mộng tưởng chừng không dứt?
- Có lẽ phải thú thực rằng đời sống, thế giới thực của tôi có ít nhiều hạn chế, ấy là cuộc sống của một cậu “công tử” nơi thành thị, cuộc sống trên những con phố náo hoạt, khói bụi, từ toà nhà kính này sang toà nhà kính khác, với tâm hồn được nuôi dưỡng bởi truyện tranh, phim hoạt hình và những cuốn sách. Một đời sống như thế có lẽ tất yếu sẽ dẫn tới lối viết của tôi như mọi người thường thấy. Sự hạn chế về ngoại giới sẽ khiến người viết có nhu cầu lội sâu hơn vào nội tại mình, nơi có những ảo giác và mộng mị, phải không ạ?
Trong quá trình sáng tác, Nhật Phi có chú tâm tìm kiếm cách thể hiện mới như thế nào? Về câu từ? Về nội dung? Về kết cấu?
- Tôi đang cố gắng thể nghiệm những yếu tố gọi là “kĩ thuật”, dù rằng cũng không thực sự hiểu nó là gì. Mà nói cho cùng, “chú tâm tìm kiếm cái mới” không nhất thiết là ưu tiên hàng đầu của người làm sáng tạo. Có một ý rất hay mà tôi từng đọc được rằng “tìm kiếm cái mới” tức là phải “biết tất cả những cái cũ và né đi”, nếu vậy thì đó là cả một sự khiên cưỡng đấy chứ? Còn thì khi tôi tiếp tục lớn lên, trải nghiệm và học hỏi, văn chương của mình cũng không thể cứ thế được. “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” mà. Về những cái “mới” của Nhật Phi, mong là mọi người sẽ sớm biết ở tác phẩm mới này.
Thực sự, chủ đề viết mà Nhật Phi quan tâm, đó là gì?
- Có lẽ khó mà nói cho rành mạch được về “chủ đề quan tâm”, như cái cách người ta nói về chị Tư, chú Ánh, bác Bảo Ninh. Như tôi đã nói, thế giới của thời đại mới này, với con người thành thị, cùng một lúc, vừa rất mở vừa rất đóng. Tôi có một mối quan tâm đặc biệt với môi trường, đặt trong xã hội hiện đại, bên cạnh đó, cũng như vô số người viết khác, tôi cũng mang theo những ám ảnh về sự vô nghĩa của đời sống, sự nhỏ bé của con người, mối quan hệ bản ngã và tha nhân. Và cả tình yêu nữa, nhưng chắc không rõ lắm (cười).
Đang đi theo một phương cách sáng tác khác biệt, vậy Nhật Phi có tách biệt với những bạn viết khác, kể cả về mối quan hệ cũng như giao lưu trong văn chương không?
- Tôi tin là không. Có thể do điều kiện, do cơ duyên, do sự thể hiện, mọi người sẽ ít thấy tôi cập nhật những sự giao lưu với các “bạn viết”. Nhưng kì thực tôi vẫn thường gặp gỡ hay trao đổi chuyện nghề, chuyện đời, với khá nhiều bạn viết. Có người đã có tác phẩm in, có người chưa, nhưng với tôi, đó vẫn là những người bạn viết đáng quý. Và tại các sự kiện khi có dịp gặp gỡ nhiều anh chị, bạn bè từ các miền khác nhau, tôi vẫn luôn cảm thấy rất vui, mọi người chuyện trò, hát hò như đã quen thân từ lâu. Còn nếu chị muốn nói về cách thể hiện trong tác phẩm, thì lại càng không đâu, Nhật Phi cũng không tách biệt với ai cả, ít nhất là không chủ ý nghĩ về điều đó.
Nhật Phi có quan tâm đến sáng tác của bạn viết không? Tên tác giả trẻ nào anh muốn nhắc tới?
- Các tác giả thực sự trẻ mà tôi quan tâm thì có lẽ hãy còn xa lạ, thậm chí là vô hình với phần đông giới văn chương. Tới chừng nào mối duyên của họ với nghề được khởi lên, chúng ta sẽ có thể chia sẻ với nhau nhiều hơn. Còn ở hiện tại, tôi sẽ nhắc tới những cái tên như là Phạm Bá Diệp, Quỳnh Phạm (Phạm Thuý Quỳnh), Maik, Hạnh Nguyên, Đặng Hằng, Hiền Trang… Họ đều là những tài năng, là vốn quý của nền văn học của chúng ta.
Về sáng tác của tác giả trẻ Việt Nam thì tôi có đọc, nhưng không nhiều. Thứ dễ dàng nhất để nhận ra là các tác phẩm của các tác giả trẻ của chúng ta đang tiến gần tới văn chương thế giới. Chúng ta có những tác phẩm mang tính “quốc tế hoá”, tẩy trắng yếu tố địa phương, nhưng đồng thời cũng có một lớp tác giả trẻ lại lội ngược vào trong văn hoá, lịch sử dân tộc. Đó là những tín hiệu đáng mừng. Đương nhiên, chúng ta vẫn có những dòng khác nữa, gần gũi hơn với độc giả trẻ. Họ cũng cần thiết, đó là điều ta không thể phủ nhận. Nền văn học nào cũng vậy thôi.
Khi có một số ý kiến đưa ra về việc văn học trẻ Việt Nam trong hai năm trở lại đây không có sự khởi sắc, thiếu tác phẩm nổi bật, anh có chia sẻ gì?
- Trong hai năm trở lại đây chúng ta cũng không có giải Nobel Văn chương. Giải Nobel Văn chương năm 2016 lại được trao cho một nhạc sĩ. Nhưng văn chương thì là dòng chảy ngầm bất tận, chẳng lẽ ta cũng nói thế về văn học thế giới ư? Nếu ý kiến có xác đáng đi nữa, thì cũng không phải là điều chúng ta cần lo lắng. Các tác giả trẻ vẫn đang viết hàng ngày, khi tới thời điểm, chúng ta sẽ được thấy những sự khởi sắc và những tác phẩm nổi bật thôi. Và rồi ai khẳng định ý kiến ấy xác đáng nào? Mỗi người đều là vua trên “tường” Facebook nhà họ thôi.
Tuy nhiên trên thị trường sách thực tế hiện nay, nếu như có những cái tên mới xuất hiện, thì sẽ bị “gắn mác” là “văn học thời trang”, tính sáng tạo ngôn từ nghệ thuật ít, nội dung xoay quanh những vấn đề thời thượng và nhu cầu vật chất tinh thần của cái tôi cá nhân?
- Những ý kiến này tôi đã nghe nhiều, và đã không ít lần phản biện ngay tại các kỳ cuộc cũng như trên trang chủ của mình. Xã hội là gì nếu không phải là tổng hoà của những cá nhân? Chúng ta không thể đòi hỏi tất cả mọi thứ phải chuẩn ngay từ đầu được. Mà ngay cả cái “chuẩn” ấy cũng cực kì khó lường. Cá nhân tôi tin rằng sự tự do, năng lượng khai phóng tự chủ mới là động lực lớn nhất đẩy một nền văn học đi lên theo đúng chức - phận – mà – xã - hội – giao – cho - nó. Tôi lại tưởng là các nhà nghiên cứu, phê bình không để tâm gì tới “văn học thời trang” kia đấy. Nếu không để ý tới thì mắc gì phải nói tới? Còn nếu để ý tới thì sẽ thấy là cũng chẳng đáng để nói nhiều như thế. Thời đại đã thay đổi rồi, chúng ta không thể mong đợi nền văn học vẫn cứ như trước được.
Xin cảm ơn Nhật Phi!