Tác phẩm văn học gần đây chưa gây thành hiện tượng

Minh Quân 25/11/2020 07:00

Từ ngày 23 đến 25/11, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X (nhiệm kỳ 2020 - 2025) với sự tham gia của hơn 550 đại biểu.

Quang cảnh Đại hội

Nhiều vấn đề đáng suy nghĩ

Báo cáo tại Đại hội, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Trong 5 năm qua về tư duy văn học, đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác tiếp tục được đổi mới, đem đến một diện mạo văn học đa dạng phong phú. Đời sống văn học đã trở nên năng động hơn, thích ứng với yêu cầu mới của đời sống...

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, số sách xuất bản của Hội trong 5 năm qua tiếp tục tăng. Những loại sách tương đối bán chạy là truyện ngắn và tiểu thuyết, có một số cuốn sách vừa ra mắt đã được tái bản. Một số cuốn hồi ký có tiếng vang và chất lượng phát hành lớn.

Số sách ăn khách nhất là truyện ngôn tình và thuần túy mang tính giải trí. Sách lý luận phê bình và thơ hầu như chỉ lưu hành trong giới. Đó là hiện tượng đáng suy nghĩ. Nguyên nhân chính là do áp lực của văn hóa nghe nhìn và văn học mạng.

Ngoài ra, nguyên nhân không kém phần quan trọng là chất lượng tác phẩm chưa đủ sức gây thành các hiện tượng văn học. Trong tình hình khó khăn đó, các nhà văn đã phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức các buổi ra mắt sách nhằm thu hút bạn đọc.

Việc tổ chức các phố sách ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng góp phần đáng kể đưa tác phẩm đến công chúng. Những ngày hội sách và trao giải thưởng cho sách có chất lượng cũng góp phần cải thiện công tác quảng bá tác phẩm… Trong 5 năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã kết nạp thêm 185 hội viên mới, phần đông là các cây bút trẻ, sung sức, nâng tổng số hội viên lên 1.092 người.

Tuy nhiên, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng cho rằng, mặc dù đã có nhiều đổi mới về tư duy văn học, về đề tài, chủ đề và phương pháp sáng tác, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng được những hình tượng nghệ thuật tiêu biểu, có sức khái quát về hai cuộc chiến tranh vĩ đại và công cuộc đổi mới còn ít tác phẩm đủ sức gây thành các hiện tượng văn học.

Bên cạnh đó việc tiếp thu các trào lưu nghệ thuật của nước ngoài được mở rộng nhưng chưa có sự chọn lọc, nghiền ngẫm sâu sắc. Trong lý luận phê bình văn học còn biểu hiện máy móc khi vận dụng các quan điểm nghệ thuật của nước ngoài vào thực tiễn đời sống văn học trong nước.

Trong hoạt động nghiệp vụ, một số cơ quan báo chí xuất bản của Hội công tác biên tập chưa theo kịp yêu cầu, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả sản phẩm. Công tác xã hội hóa trong hoạt động của Hội còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu còn dựa vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước…

Kỳ vọng sự đổi mới

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đọc bản kiểm điểm của BCH khóa IX cho biết: Vì số lượng ủy viên BCH quá ít so với số lượng hội viên và lượng công việc quá nhiều, nên BCH chưa nắm vững được đầy đủ tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn của một số hội viên.

Cho dù lượng đầu sách dịch và giới thiệu ra thế giới tăng lên, nhưng chưa thực hiện được dự án dịch và giới thiệu nền văn học Việt Nam ra thế giới một cách đầy đủ và có hệ thống thường xuyên. BCH thường xuyên quan tâm, theo dõi và chỉ đạo các cơ quan cấp hai của Hội nhưng chưa bao quát hết nên vẫn để xảy ra một số sai sót đáng tiếc trong lĩnh vực báo chí và xuất bản. Chưa phát huy một cách có hiệu quả nhất chức năng tư vấn của các liên chi hội và chi hội Nhà văn Việt Nam ở các khu vực trong cả nước.

Bên lề Đại hội, chia sẻ với báo chí, nhà văn Võ Khắc Nghiêm bày tỏ: Tôi kỳ vọng phải có được một số đổi mới, ví dụ vai trò của nhà văn, theo tôi không gọi là thẻ hội viên mà nên gọi là thẻ hành nghề nhà văn. Có 2 vạn nhà báo mà chỉ có 1 nghìn nhà văn.

Phải tạo được uy tín trong xã hội bằng thẻ hành nghề của mình. Kỳ vọng nữa là có sự đầu tư cho các nhà văn. Nhà nước nên đặt hàng đề tài lớn cho các nhà văn, đặc biệt là trong đề tài sản xuất và kinh doanh. Dường như các nhà văn ngại động chạm thì phải có đặt hàng, các chân dung doanh nghiệp, tập đoàn phối hợp giữa nhà văn và nhà nước.

Tôi ví dụ chúng ta mở các cuộc thi sáng tác về nông nghiệp, nông thôn thì sẽ có được phong trào và từ sự đầu tư ấy nó khích lệ, không phải vấn đề về tiền mà khích lệ đi sâu vào lĩnh vực, cuộc sống khó khăn.

Về phương hướng trong nhiệm kỳ mới, Hội Nhà văn Việt Nam đặt ra mục tiêu mỗi năm mỗi thể loại đều có từ 1 đến 3 tác phẩm được trao giải thưởng, toàn khóa có 10 giải thưởng Sông Mê Kông, 10 giải thưởng ASEAN, từ 10 đến 15 giải thưởng Nhà nước, từ 3 đến 5 Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Hội phấn đấu toàn khóa sẽ kết nạp 100 đến 120 hội viện mới có tài năng và phẩm chất nhà văn, đẩy mạnh hoạt động của các chi hội, phát huy trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi của hội viên.

Đại hội đã bầu ra BCH khoá mới. BCH đã họp phiên đầu tiên và bầu ra nhà văn Nguyễn Quang Thiều làm Chủ tịch Hội; Hai Phó Chủ tịch là: nhà văn Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Bình Phương. Các ủy viên là: Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ; nhà văn Lương Ngọc An; nhà văn Khuất Quang Thụy; nhà văn Vũ Hồng; nhà văn Trần Hữu Việt; nhà văn Trần Hùng; nhà văn Phan Hoàng; nhà văn Bích Ngân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tác phẩm văn học gần đây chưa gây thành hiện tượng