Tái cấu trúc các trường đại học, cao đẳng: Không thể chần chừ

Thu Hương (thực hiện) 31/10/2017 08:35

Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập vừa được ban hành ngày 25/10. Trong đó, chỉ đạo việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực cụ thể.


GS Phạm Minh Hạc.

Đối với giáo dục đại học (ĐH), Nghị quyết khẳng định sẽ thực hiện sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường ĐH, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường ĐH. Bày tỏ sự hoan nghênh đối với những nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết 19 đặt ra cho giáo dục ĐH Việt Nam trong thời gian tới, GS.VS Phạm Minh Hạc- nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ với Đại Đoàn Kết: Trong 10-15 năm trở lại đây chúng ta phát triển ĐH quá nhanh, không phù hợp với yêu cầu về nguồn nhân lực của đất nước. Cụ thể, gần đây có những trường ĐH công lập của một số tỉnh sáp nhật vào một trường khác như ĐH An Giang trở thành thành viên của ĐHQG TP HCM. Hoặc một số trường dân lập không phát triển được đã bán từ người này sang người khác.

Thống kê năm ngoái có tới hơn 200 nghìn cử nhân thất nghiệp. Năm nay, cách đây khoảng 2 tháng, con số này đã giảm xuống còn khoảng 150 nghìn. Đó là sự lãng phí của cải của nhân dân, của nhà nước đào tạo ra các cử nhân, kỹ sư không biết làm gì. Ở đây có cả vấn đề của chất lượng đào tạo và cơ cấu đào tạo. Trong đó chất lượng đào tạo thì thấp, cơ cấu đào tạo không phù hợp với cơ cấu lao động của nước ta nên dẫn đến hiện tượng dư thừa, chẳng hạn đào tạo trình độ công nhân kỹ thuật chúng ta đang cần thì lại ít hơn trình độ ĐH.

Nghị quyết 19 được ban hành trong bối cảnh như vậy nên chúng tôi rất phấn khởi.

PV: Được biết đối với vấn đề sáp nhập, hợp nhất các trường ĐH thực ra trước đây đã được đề cập đến rồi nhưng chưa triển khai được bao nhiêu. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

: Cách đây vài năm, Bộ GD&ĐT đã đóng cửa hơn 100 ngành chuyên môn trong các trường ĐH vì không có người học, không có người đào tạo tương ứng. Tuy nhiên, Bộ hầu như chưa tiến hành sáp nhập hay giải thể trường nào.

Trong 1 năm qua, nhiều ý kiến cho rằng hệ thống trung cấp y khoa đào tạo điều dưỡng viên mở quá nhiều. Ở Hà Nội, cũng xôn xao việc một trường tư thục được mở hệ trường y dù thiếu nhân lực đào tạo. Đào tạo y ở nhiều nước lên tới 10, 11 năm, ở mình đã quá ngắn, lại mở tràn lan thì chất lượng làm sao đảm bảo?

Đã đến lúc và đã hơi chậm, chúng ta phải giải thể và phải sắp xếp lại hệ thống giáo dục, trong đó kiên quyết giải thể những trường không đáp ứng được điều kiện đào tạo. Đối với những trường có thể tiến hành sáp nhập được để tạo hiệu quả tốt hơn thì nên sáp nhập, không được chần chừ và cũng không thể chần chừ được nữa. Yêu cầu này đã quá chín muồi rồi, là mong đợi của nhân dân lâu rồi.

Thứ hai là phải có những trường trọng điểm. Chúng ta đã có những trường trọng điểm hơn 20 năm như ĐHQG Hà Nội chưa xây dựng được nhà điều hành của Ban giám hiệu ở trên Đồng Mô mặc dù vấn đề này đã được bàn thảo, có kế hoạch từ cách đây 22 năm. ĐHQG Hà Nội đến nay vẫn loanh quanh ở cơ sở của một trường công nhân kỹ thuật của Hà Nội trước đây thì không thành trường ĐHQG được.

Tôi đã từng sang những nước trình độ kinh tế còn kém hơn Việt Nam, như Miến Điện chẳng hạn, tôi sang cách đây 15 năm mà họ xây dựng một trường ĐH trong khoảng 10 năm. Chiến tranh đã lùi xa 42 năm ở Việt Nam, trình độ kinh tế cũng đã khá hơn nhưng những trường ĐH trọng điểm của chúng ta vẫn chưa phát triển đúng tầm như ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam... Nhiều người đặt dấu hỏi ở đây.

Thứ ba là ĐH sư phạm trọng điểm. Trung ương đã có quyết nghị từ năm 1996, Nghị quyết 2 của Trung ương khóa 8, lúc đó tôi là Ủy viên Trung ương, có tham gia xây dựng dự thảo Nghị quyết này. Chúng ta đã có nghị quyết đó, sau 21 năm chúng ta vẫn chưa xây dựng được ĐH sư phạm nào là trọng điểm, đều đang dở dang. Trong khi ngành sư phạm mở tràn lan ở cả khối tư thục và công lập, các trường ở Trung ương và địa phương. Nếu chúng ta không nâng cao chất lượng đào tạo của các ngành sư phạm, như gần đây chúng ta nói nhiều đến đầu vào của các trường sư phạm tại Việt Nam rất thấp, chỉ 3 điểm một môn với hệ cao đẳng và 5 điểm một môn với hệ ĐH thì đòi hỏi chất lượng thế nào? Trong khi nhìn vào bài học Phần Lan chỉ tuyển 10% những người giỏi nhất vào sư phạm. Ngay cả đội ngũ giáo viên hiện hành chúng ta không có cải cách thì làm sao đạt được chất lượng đổi mới?

Vì vậy, theo tôi chúng ta cần kiểm điểm tinh thần thực hiện Nghị quyết, ai chịu trách nhiệm thực hiện Nghị quyết? Ai giám sát? Tất cả cần phải rõ ràng. Bởi nhiều bài học từ trước đến nay cho thấy, từ Nghị quyết của trung ương, từ lý luận đến thực tiễn quá xa. Thậm chí, có Nghị quyết nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không như mong đợi dẫn đến sự suy giảm niềm tin.

Ông có đề xuất về lộ trình thực hiện tới đây?

- Như tôi đã nói ở trên, thời gian đã gấp lắm rồi nên phải có lộ trình thực hiện rất cụ thể. Thời gian, kinh phí đầu tư cho các trường ĐH phải xác định rõ và thích đáng, kịp thời. Chúng ta một mặt phát triển tràn lan như trên đã nói mà không tập trung vào các trường trọng điểm thì làm sao nâng cao được chất lượng đội ngũ giáo viên được?

Trước đó, tại Nghị định 46/2017/NĐ-CP có quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục như sau, việc sáp nhập, chia, tách trường đại học phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: Phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường ĐH, Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên của trường; Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục ĐH.

Chúng ta có thể căn cứ vào đó để rà soát, danh mục hóa các trường trong diện phải sáp nhập, hợp nhất... rồi tính toán thực hiện theo lộ trình phù hợp. Không thể chỉ dựa vào việc chủ động đề xuất đơn lẻ của từng cơ sở giáo dục mà phải tiến hành trên diện rộng, tổ chức thực hiện một cách bài bản...

Có ý kiến cho rằng, xét về quy mô, nhân lực có trình độ ĐH ở nước ta vẫn còn rất thấp, mới khoảng 9%; trong khi ở các nước phát triển thuộc OECD nhân lực có trình độ từ ĐH trở lên khoảng 25-30%. Việc sáp nhập, giải thể các trường ĐH cần làm thận trọng, tránh khuynh hướng hạn chế phát triển giáo dục ĐH mà thiếu cơ sở khoa học. Ông có đồng tình?

- Làm thận trọng là đúng. Tuy nhiên, tôi cho rằng cơ cấu đào tạo của ngành giáo dục phải phục vụ yêu cầu của sự phát triển nhân lực. Trình độ phát triển kinh tế của chúng ta còn kém xa so với các nước OECD, nhất là những nước cũ ở OECD. Vì vậy, cần đi từng bước một, có kế hoạch phù hợp với sự phát triển ngân sách, yêu cầu của chúng ta với sự tích cực hết sức.

Đừng lấy chuẩn theo kiểu cần bao nhiêu giáo viên trên bao nhiêu dân theo các nước tiên tiến. Chẳng hạn con số mục tiêu phải đào tạo 2 vạn tiến sĩ đến năm 2020 là một ảo vọng tôi thấy rất khó thực hiện, đặc biệt nếu đặt vấn đề chất lượng hơn số lượng thì việc chạy đua lấy thành tích còn là sự nguy hại cho đất nước chứ không vẻ vang gì.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tái cấu trúc các trường đại học, cao đẳng: Không thể chần chừ