Thời điểm hội nhập tới gần nhưng những khó khăn thách thức với nền kinh tế vẫn hiện hữu. Trao đổi với ĐĐK, ĐBQH Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng: Ngay từ bây giờ các DN phải “ kiến trúc” lại sản xuất, nâng cao mô hình quản trị doanh nghiệp, nâng cao kiến thức điều hành. Nhà nước cần nhanh chóng sửa đổi bổ sung các luật phù hợp với tinh thần Hiến pháp sửa đổi năm 2013, nhưng quan trọng là phù hợp với tinh thần hội nhập quốc tế…
Ông Đỗ Văn Vẻ
PV:Thưa ông, sắp tới đây, đến thời điểm hội nhập sâu thì mảng nông nghiệp được dự báo gặp cạnh tranh rất lớn. Đơn cử như việc thịt gà Mỹ bán tại Việt Nam giá rẻ đẩy người chăn nuôi vốn đã khó lại càng khó hơn. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân?
Ông Đỗ Văn Vẻ: Hiện nay sản phẩm nông nghiệp của chúng ta chất lượng chưa cao do năng suất lao động còn thấp, sản phẩm chủ yếu là xuất thô, chưa có nhiều nhà máy thông qua chế biến để xuất tinh hàng có chất lượng cao. Cho nên giá thành xuất khẩu ra chưa thể cạnh tranh được. Trong khi đó, đầu vào cho nông dân cao khi phân bón, thuốc trừ sâu, giống cao trong khi đầu ra chưa tương xứng, còn tồn kho. Cho nên, người nông dân khó khăn, có nhiều người thua lỗ chưa đáp ứng được mục tiêu người nông dân phải có lãi. Vậy làm thế nào để nông nghiệp của chúng ta phát triển được thì Nhà nước cần cơ chế chính sách đặc biệt thông qua chính sách hỗ trợ thuế, vốn, giống, khoa học công nghệ, và chính sách mở để nhiều DN đầu tư vào khoa học chế biến, thông qua đó đưa sản phẩm của người nông dân làm ra tốt hơn, qua đó giá thành sản phẩm mới có giá trị.
Vậy ông có thể đề xuất giải pháp gì?
Tôi cho rằng cần đẩy mạnh liên kết 4 nhà trong sản xuất phát triển nông nghiệp, trong đó cần phát huy vai trò của nhà khoa học trong nghiên cứu ứng dụng khoa học vào sản xuất. Như thế mới chủ động không phải nhập nước ngoài. Ví dụ hiện nay có 2 mặt hàng là ngô và đậu tương chúng ta đang phải nhập từ nước ngoài về để chế biến thức ăn cho gia súc. Ở nước ngoài họ dùng công nghệ biến đổi gien để sản xuất, nên nhập giá rẻ hơn trong nước sản xuất. Vì vậy chúng ta phải nghĩ đến yếu tố là làm cho được không phải nhập khẩu nước ngoài.
Nhưng chăn nuôi cũng là mảng cần nghiên cứu tính toán lại, bởi hiện có tình trạng chúng ta làm gia công cho nước ngoài khi nuôi lợn cho họ và chỉ hưởng tiền công rẻ còn xuất khẩu và lợi nhuận là công ty nước ngoài thu. Ta dành nhiều diện tích đất đai cho chăn nuôi của họ, chưa kể ô nhiễm môi trường. Đó là cái mà chúng ta đang chịu hệ lụy. Vì vậy Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để DN Việt có thể chủ động phát triển chăn nuôi chứ không phải dựa vào công ty nước ngoài, như vậy chúng ta mới độc lập và phát huy có hiệu quả.
Không chỉ nông nghiệp mà các lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng khi gia nhập các hiệp định kinh tế. Vậy theo ông đâu là khó khăn cũng như thách thức?
Việt Nam đã thực hiện các hiệp định tham gia ký kết với Hàn Quốc, EU; sắp tới là thực hiện Hiệp định thương mại đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)- đây vừa là thời cơ nhưng cũng vừa là thách thức. Thời cơ là các DN của Việt Nam có điều kiện hội nhập sâu với các nước trên thế giới, hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu ra nước ngoài cùng chung một chính sách suất thuế quan, nhiều dòng thuế cao trước đây từ 17-25% thì khi thực hiện TPP sẽ về biểu thuế bằng 0.
Thực tế chính là việc chúng ta phải đối mặt với hàng hóa trong đó có hàng hóa ở lĩnh vực nông nghiệp của các nước khác có chất lượng tốt hơn, giá rẻ hơn, tính chuyên nghiệp cao hơn, mô hình quản lý gọn nhẹ hơn. DN Việt đang đối mặt với những vấn đề trên không phải là nhỏ. Giải pháp để DN Việt đứng vững trước ngưỡng cửa hội nhập chính là ngay từ bây giờ các DN phải “kiến trúc” lại doanh nghiệp, nâng cao mô hình quản trị DN, nâng cao kiến thức điều hành, đặc biệt chú ý đến đào tạo cán bộ có trình độ kiến thức chuyên môn trong quản lý DN, nhưng phải hiểu luật pháp quốc tế.
Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, cái cần hướng tới chính là quan tâm đến chất lượng và giá thành sản phẩm mẫu mã. Muốn như vậy thì phải chú ý đến khoa học kỹ thuật, phải dành một khoản tiền để đầu tư quỹ phát triển khoa học cải tiến trang thiết bị thì mới có thể đưa chất lượng hàng hóa tốt giá rẻ để cạnh tranh được. Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế như: ISO 9001; ISO 14000; ISO 22000; ISO 52000; SA 8000, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và thực hiện trách nhiệm xã hội. Song những điều đó trên cũng chưa đủ, cần nâng cao năng suất lao động, bởi đây là yếu tố hết sức quan trọng làm cho năng suất lao động của ta cao lên, mà giá thành rẻ thì mới có điều kiện để cạnh tranh với thế giới.
Theo ông cần có chính sách, giải pháp gì để giúp các doanh nghiệp?
Tôi cho rằng muốn thực hiện được những mục tiêu để đáp ứng được với hội nhập quốc tế thì phía Nhà nước cần nhanh chóng sửa đổi bổ sung các luật phù hợp với tinh thần Hiến pháp sửa đổi năm 2013, nhưng quan trọng là phù hợp với tinh thần hội nhập quốc tế. Vừa qua chúng ta đã sửa đổi một số luật như doanh nghiệp, luật đầu tư, luật khoa học công nghệ. Tới tới là chúng ta xây dựng luật doanh nghiệp nhỏ và vừa; tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ hai là quan tâm giúp đỡ các DN thông qua các cơ chế chính sách, hỗ trợ về thuế cũng như giảm thủ tục hành chính, giảm số giờ nộp thuế, thông quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!