Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, gây đình trệ sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng… tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trước bối cảnh đó, một trong những giải pháp được đưa ra nhằm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đó là phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế….
Vào ngày 9/12/2021 được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn: Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp tại tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đặt ra 5 quan điểm. Trong đó, nhấn mạnh tập trung khắc phục những hạn chế, hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm của Kế hoạch giai đoạn 2016- 2020; bổ sung các nhiệm vụ nhằm tận dụng các cơ hội, các mô hình kinh doanh mới và giải quyết tốt các vấn đề chiến lược để phát triển nhanh và bền vững. Cơ cấu lại nền kinh tế phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện đồng bộ, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa Trung ương với địa phương, là bước đi cần thiết để đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đây là cơ hội quý báu để các doanh nghiệp đổi mới mô hình và cải thiện chất lượng tăng trưởng, củng cố nền kinh tế vĩ mô. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước được thực hiện công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường; từng bước tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; Khu vực kinh tế tư nhân trong nước được thúc đẩy phát triển; Môi trường đầu tư kinh doanh, xếp hạng năng lực cạnh tranh được cải thiện liên tục; hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được chú trọng xây dựng. Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS).