Việt Nam cần lượng lớn nguồn vốn cho phát triển xanh, tuy nhiên hiện nay, dòng vốn này quá hạn hẹp. Theo khảo sát, 50% các công ty cho biết, việc thiếu các giải pháp tài chính bền vững là rào cản lớn trong hành trình chuyển đổi xanh.
Cần lượng vốn lớn
Giới chuyên gia nước ngoài nhận định, đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió đã tăng vọt, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo hàng đầu ở Đông Nam Á. Ước tính, riêng ngành năng lượng tái tạo Việt Nam tăng trưởng với tốc độ ấn tượng (hơn 20%/năm) trong thập kỷ qua. Các sáng kiến về công trình xanh và nỗ lực quy hoạch đô thị bền vững của Việt Nam cũng chứng kiến sự tăng trưởng ổn định, cùng với sự nỗ lực từ các nhà đầu tư và người tiêu dùng. Thế nhưng, tài chính đang trở thành vấn đề khó khi triển khai phát triển xanh.
Ông Lim Dyi Chang - Giám đốc khối Ngân hàng Doanh nghiệp (DN) của Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, quy mô đầu tư cần thiết để hiện thực hóa hoàn toàn quá trình chuyển đổi sang năng lượng ít carbon của Việt Nam là rất lớn. Theo kế hoạch phát triển điện VIII, chỉ riêng quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ cần khoảng 650 tỷ USD (đầu tư từ năm 2021 đến năm 2050). Nguồn tài trợ này sẽ rất quan trọng để mở rộng công suất năng lượng tái tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng truyền tải năng lượng, hỗ trợ đầu tư R&D vào các công nghệ xanh mới như hydro, thu giữ carbon và pin hiệu quả hơn, cũng như chuyển đổi bản chất của giao thông vận tải và xây dựng. Vị này thông tin thêm, theo nghiên cứu triển vọng DN năm 2024 của UOB, 50% các công ty Việt Nam cho biết, thiếu các giải pháp tài chính bền vững là rào cản lớn trong hành trình chuyển đổi xanh.
Theo ước tính của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD vào năm 2040 để tài trợ cho cơ sở hạ tầng, công nghệ mới và các chương trình xã hội cho quá trình chuyển đổi của Việt Nam. Đề cập đến nguồn vốn cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam, ông Darryl James Dong - đại diện cấp cao phụ trách văn phòng TPHCM, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), trong vòng 10 năm tới, Việt Nam sẽ cần huy động hàng trăm tỷ USD.
Thu hút tư nhân mở khóa thị trường tài chính xanh
Mặc dù cần rất nhiều vốn cho phát triển xanh nhưng hiện nay, nguồn vốn này lại đang bị hạn chế. TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách khẳng định, chi phí đầu tư lớn đang là một trong những nguyên nhân khiến DN chậm chuyển đổi xanh. Ông Việt lý giải, việc chuyển đổi sang các công nghệ, phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường yêu cầu đầu tư lớn. Điều này gây khó khăn cho nhiều DN, nhất là những DN vừa và nhỏ khi phải cân nhắc giữa lợi nhuận ngắn hạn và sự bền vững dài hạn. Hiện nay, tín dụng xanh của các ngân hàng nội địa mới chỉ chiếm tỷ trọng 4,5%, trong khi lẽ ra ngân hàng phải là nơi cấp vốn chủ lực.
Các chuyên gia cho rằng, số tiền đầu tư cho phát triển xanh không thể chỉ được tài trợ bởi Chính phủ. Mức độ tham gia đáng kể của khu vực tư nhân là rất quan trọng.
Thông tin về vốn cho tăng trưởng xanh, ông Lim Dyi Chang chia sẻ, đã cấp khoảng 40 tỷ USD cho các khoản vay xanh. Trong đó, 60% tín dụng cho vay nằm ở các ngành thâm dụng carbon như: năng lượng, bất động sản, xây dựng, thép, điện và ô tô. Tại Việt Nam, UOB hỗ trợ 17 dự án năng lượng tái tạo cho đến nay. Gần đây, cấp một số khoản tài trợ thương mại xanh trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, đơn cử là Betrimex - một nhà sản xuất sản phẩm dừa bền vững. “Một DN tốt, một dự án khả thi, một mục tiêu bền vững thực sự - đó là 3 yếu tố chúng tôi tìm kiếm trong tài chính xanh. Đơn vị sẽ tích cực tận dụng các khuôn khổ tài chính xanh mạnh mẽ của mình để giúp các DN tại Việt Nam chuyển đổi thành công”- ông Lim Dyi Chang nhấn mạnh.
Để “mở khóa” thị trường tài chính xanh, nhóm giải pháp mà chuyên gia IFC đưa ra là 4 sự điều chỉnh ở trên các khía cạnh bao gồm: quy định, dự án khả thi có thể nhận tài trợ từ ngân hàng, tăng cường tài chính hỗn hợp và gia tăng “năng lực khí hậu”. Ông Darryl James Dong khẳng định, nếu xây dựng một khung pháp lý khí hậu tốt thì các nhà đầu tư và nhà tài chính sẽ đến.
TS Nguyễn Quốc Việt kiến nghị, cần ban hành hướng dẫn thực hiện các chiến lược chính sách chuyển đổi xanh; xây dựng quy định về thị trường carbon, định giá carbon, chứng chỉ xanh. Nhà nước cần thiết kế và thực thi các chính sách hỗ trợ DN thực hiện sản xuất xanh.