Kinh tế

Tài chính xanh để tăng trưởng xanh

HÀ AN 25/07/2024 06:29

Tài chính xanh là một trong những yếu tố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Tại Việt Nam, tài chính xanh cũng đã được khẳng định là hướng đi cần thiết trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đạt được các mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

anh-1-bai-tren.jpg
Bãi Khem (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Ảnh: Hà An.

2,2% GDP thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về vào năm 2050

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần huy động thêm 144 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2050, tương ứng 2,2% của GDP, nhằm hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về vào năm 2050. Trong khi đó, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2040 (hoặc khoảng 6,8% GDP/năm) để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng giảm phát thải ròng bằng 0.

Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp về cơ chế, chính sách, giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh. Được biết, tham gia tích cực vào mục tiêu Net Zero vào năm 2050, các tổ chức tài chính ngày càng đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh để hỗ trợ các dự án và sáng kiến có tác động tích cực đến môi trường. Giai đoạn 2017 - 2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Tính đến 31/03/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Dù đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu, tuy nhiên, tài chính xanh cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là sự đột phá trong việc triển khai. Những con số như tín dụng xanh chưa đến 5% tổng vốn tín dụng cho nền kinh tế, hay mới hơn 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành… là những con số còn khá khiêm tốn so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia khẳng định, chiến lược tài chính xanh cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là sự đột phá trong việc triển khai từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ, chương trình hành động của các cơ quan quản lý nhà nước, đến các đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp, nhà đầu tư.

anh-2-bai-tren.jpg
Trung tâm TP Cần Thơ hướng tới phát triển xanh, trung hòa carbon. Nguồn: Tạp chí TCTT.

Trọng tâm phát triển sản phẩm tài chính xanh

Theo TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, tài chính xanh đang là xu hướng tất yếu, trở thành một yếu tố then chốt của hệ thống tài chính toàn cầu. Hiện tài chính xanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Một là, chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh (quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh...). Hai là, việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ chuyên gia, nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn khá hạn chế. Ba là, thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh (ưu đãi thuế, phí; về hạn mức tín dụng; về lãi suất...). Bốn là, các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (có thể lên đến 20 năm), chi phí đầu tư lớn... trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn. Năm là, nhận thức của thị trường đối với tăng cường các quy định về môi trường, xã hội, quản trị (ESG), tài chính xanh và bền vững chưa cao và chưa đồng đều. Và cuối cùng là rất nhiều công ty niêm yết chưa có sự chủ động trong việc đưa ESG vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; việc phát hành cổ phiếu xanh hầu như chưa có và báo cáo phát triển bền vững còn hạn chế.

Về giải pháp giúp gia tăng dòng vốn xanh, ông Lực nhấn mạnh, cần tập trung xanh hóa vào 5 lĩnh vực ưu tiên đó là: nông nghiệp, nông thôn; giao thông đô thị với các phương thức vận tải bền vững; chuyển đổi năng lượng sạch; sản xuất tiêu dùng, phân phối sản phẩm; kinh tế biển. Cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Song song đó, cần có cơ chế, tiêu chí, phương thức đánh giá tác động môi trường như: dự án, công trình, nhà máy xanh; khuyến khích, hỗ trợ đối mới sáng tạo: xe điện, xe tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt là xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu…

Trong khi đó, ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Ủy ban Chứng khoán nhà nước) đề cập đến các giải pháp thúc đẩy thị trường vốn xanh tại Việt Nam là hoàn thiện khung pháp lý liên quan; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục và đào tạo về phát triển bền vững, tài chính xanh; nghiên cứu, hoàn thiện khung chính sách hỗ trợ; tăng cường hợp tác quốc tế; cơ cấu lại Chỉ số phát triển bền vững (VNSI) được áp dụng cho các sở giao dịch chứng khoán.

Ở góc độ ngân hàng, ông Hà Huy Cường - Phó tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á đề xuất cần có giải pháp hướng dẫn chi tiết cho người đi vay (doanh nghiệp xanh). Ông Cường cho biết, phía Ngân hàng Nam Á đang hướng tới 3 trụ cột là danh mục tín dụng xám nâng cấp thành danh mục tín dụng xanh, vận hành xanh bằng cách chuyển đổi số và đẩy mạnh tài chính xanh...

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã ban hành và triển khai Kế hoạch hành động của ngành Tài chính về tăng trưởng xanh như xây dựng, hoàn thiện các chính sách tài chính liên quan, trong đó trọng tâm là phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh. Theo đó, đối với thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chỉ thị về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cũng như chương trình hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tài chính xanh để tăng trưởng xanh