Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Còn tâm lý cầm chừng, chờ đợi

T.Hằng 09/08/2019 08:00

Sáng 8/8, tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn Tái cơ cấu Doanh nghiệp nhà nước. Giới chuyên gia cho rằng sự chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn dễ dẫn đến tâm lý hoạt động cầm chừng chờ đợi, thậm chí là bất an của chính đội ngũ quản lý và người lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Đặng Quyết Tiến -Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt kế hoạch đề ra. Tiến độ bàn giao các doanh nghiệp có vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng chậm. Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 29 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 630 tỷ đồng.

Đại diện SCIC, ông Trần Nguyên Nam - Phó trưởng ban Phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp SCIC cho biết, doanh nghiệp này cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Theo đó, việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm, quy mô hạn chế; thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước gặp nhiều khó khăn do đa số doanh nghiệp khi tiếp nhận còn tỷ lệ vốn nhà nước không đủ chi phối hay phủ quyết. Doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước cao (có trường hợp đến hơn 90%) thì hoạt động không hiệu quả, nhiều tồn tại về tài chính từ giai đoạn trước.

Bên cạnh đó, còn tồn tại khá nhiều vướng mắc về phía doanh nghiệp là đối tượng thoái vốn như tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ hoặc đã có cổ đông khác sở hữu chi phối (trên 51%) tại doanh nghiệp, làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp làm ăn yếu kém, thua lỗ kéo dài; không có lợi thế về đất đai; giá khởi điểm bán vốn quá cao so với kỳ vọng của nhà đầu tư...

Theo chuyên gia kinh tế TS. Ngô Trí Long, khi nhắc đến cổ phần hóa, thoái vốn, một trong những điều chúng ta vẫn thường nghe đến nhất là “đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước” hoặc “bán được giá cao nhất” và “không gây thất thoát cho Nhà nước”.

Tuy nhiên, bên cạnh mục tiêu tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước với hiệu quả cao nhất, việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn nhắm đến những mục tiêu quan trọng và dài hạn hơn là giúp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, giữ gìn thương hiệu, ngành nghề kinh doanh chính để từ đó tạo điều kiện cho phát triển bền vững của cả nền kinh tế trong dài hạn.

Song thực tế thời gian qua cho thấy còn không ít khó khăn để có thể đạt được những mục tiêu này. Cụ thể là việc Nhà nước còn nắm tỉ lệ sở hữu lớn khiến doanh nghiệp nhà nước khó thay đổi về chất. Trong nhiều trường hợp, chậm cổ phần hóa, thoái vốn cũng đồng nghĩa với khả năng gây thất thoát cho Nhà nước càng lớn.

Ông Long dẫn ví dụ như Công ty Cổ phần Cồn Rượu Hà Nội (Halico), năm 2011, đã có đại gia ngoại mua 30% cổ phần với giá hơn 200.000 đồng/cổ phiếu; tròn 1 năm trước lên sàn với giá 31.000 đồng/cổ phiếu; đến giờ chỉ còn 12.000 đồng/cổ phiếu và hoàn toàn không có giao dịch. Công ty hoạt động lỗ liên tục từ 2015 đến nay. Công ty mẹ của Halico là Habeco cũng xuống dốc, lợi nhuận sau thuế giảm từ 1.100 tỷ (năm 2014) xuống còn 310 tỷ theo số kế hoạch năm 2019; thị phần giảm từ 21% xuống còn 16%.

Những trường hợp như thế này, nếu Nhà nước không có cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm khó khăn vướng mắc, thì chắc chắn bất lợi và thiệt hại sẽ càng nhiều hơn nếu kéo dài thời gian thoái vốn.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cho biết, sự chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn dễ dẫn đến tâm lý hoạt động cầm chừng chờ đợi, thậm chí là bất an của chính đội ngũ quản lý và người lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, doanh nghiệp đã yếu kém sẽ lại càng yếu kém hơn, và Nhà nước sẽ càng khó khăn hơn khi thoái vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Còn tâm lý cầm chừng, chờ đợi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO