Tới thời điểm này, giải pháp tái đàn theo hướng an toàn sinh học của Bộ NNPTNT đã thu được nhiều kết quả khả quan khi sản phẩm thịt lợn tái đàn bắt đầu được đưa ra thị trường, dần kéo giá thịt lợn ổn định. Tái đàn đạt 81% so với trước dịch.
Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT vừa công bố, giá lợn hơi trong 1 tuần nay xuất tại cửa chuồng đã giảm 15.000 - 18.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất.
Theo đó, giá lợn hơi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 80.000 - 83.000 đồng/kg; khu vực Đông Nam Bộ (Đồng Nai) giá lợn hơi khoảng 79.000 - 82.000 đồng/kg; khu vực miền Trung giá lợn hơi đạt 77.000 - 79.000 đồng/kg; miền Bắc giá lợn hơi vẫn cao nhất: 80.000 - 83.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi xuất chuồng của công ty cổ phần chăn nuôi CP bán ở miền Bắc là 80.000 đồng/kg, miền Nam là 80.500 đồng/kg. Nếu hạch toán chi tiết thì giá thành nuôi lợn khoảng 71.000 đồng/kg lợn hơi, nếu nuôi khép kín từ khâu giống đến nuôi thịt thì giá thành khoảng 50.000 đồng/kg lợn hơi. Như vậy, với mức giá hiện nay, các trang trại, doanh nghiệp vẫn đảm bảo lãi khủng.
Đến cuối tháng 7/2020 tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào 31/12/2018). 12 tỉnh, thành phố tái đàn và tăng đàn lợn trên 100%, trung bình là 118,3% so với thời điểm trước khi có dịch (tháng 12/2018). Đứng đầu là Bình Phước đạt 164,7%; tiếp đến là Bình Định, Kon Tum, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Yên Bái, Hòa Bình…
Tuy nhiên Cục Chăn nuôi cũng khuyến cáo vẫn tồn tại không ít khó khăn trong công tác tái đàn, tăng đàn và giảm giá thịt lợn. Như tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có vắcxin phòng bệnh. Chăn nuôi nông hộ khó áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nên người chăn nuôi nhỏ lẻ sợ dịch bệnh tái phát. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn vì e ngại tái phát dịch sẽ phát sinh hệ lụy cho địa phương.
Đáng chú ý, một số địa phương chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại do dịch cho người dân, nên người chăn nuôi rất khó khăn duy trì sản xuất. Mặt khác, người chăn nuôi cũng gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách về tín dụng, lãi suất ưu đãi và chính sách về đất đai để tái đàn, duy trì sản xuất, tăng đàn.
Cũng do các tháng 5-9/2019 là giai đoạn cao điểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các cơ sở chăn nuôi lợn không cho phối hoặc hạn chế phối giống, nên ảnh hưởng đến nguồn cung con giống ở giai đoạn đầu năm 2020. Từ tháng 10/2019 các cơ sở chăn nuôi lớn mới cho phối giống và tăng đàn lợn thịt, các cơ sở chăn nuôi nhỏ phải cuối năm 2019 đầu 2020 mới tái đàn, như vậy dự kiến đến cuối quý III, đầu quý IV/2020 mới đảm bảo cơ bản nhu cầu thịt lợn.
Về chính sách hỗ trợ của một số địa phương trong công tác tái đàn và tăng đàn lợn, ngoài một số tỉnh có ban hành các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học.
Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ cho tái đàn, tăng đàn. Mức hỗ trợ từ 0,5-5 triệu/1 con nái tái đàn, hỗ trợ cho khoảng 1 tỷ đồng khi xây dựng trang trại mới, hỗ trợ tiền vay cho tái đàn với lãi suất 0%, hỗ trợ không thu tiền thuế đất xây dựng trang trại….