Với thế mạnh tác động trực quan, hệ thống hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tái hiện lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam qua những chặng đường cách mạng đầy cam go, thử thách. Truyền thống yêu nước, đoàn kết, tương thân, tương ái tốt đẹp của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử được khơi dậy, tập hợp trong tổ chức Mặt trận trở thành sức mạnh tổng hợp để vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
“Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh ngày 18/11/1930” đang được trưng bày tại Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với ý nghĩa như “giấy khai sinh” về sự ra đời hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về nhận thức của Đảng Cộng sản Đông Dương: Từ nhấn mạnh vấn đề đoàn kết giai cấp đến đề cao vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc được đúc kết qua thực tiễn phong trào cách mạng ở nước ta mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ -Tĩnh (1930-1931).
Tổ hợp tài liệu, hiện vật về hoạt động của Mặt trận Việt Minh như: “Truyền đơn” , Họa bản báo “Việt Nam độc lập”, Báo “Cứu quốc”- tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết… tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, kêu gọi, hiệu triệu quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh giành độc lập đồng thời thức tỉnh, cảm hóa tầng lớp tay sai, bù nhìn theo Pháp, Nhật quay súng, ủng hộ Việt Minh, ủng hộ cách mạng.
Đại hội toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam thành Mặt trận Liên Việt năm 1951 là một sự kiện lịch sử quan trọng, thực hiện chủ trương của Đảng ta: Một dân tộc - một Mặt trận nhằm huy động toàn bộ lực lượng cho cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn Tổng phản công, Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tái hiện sự kiện ý nghĩa này thông qua tổ hợp hình ảnh, hiện vật.
Trong đó có bức ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt” và được các đại biểu công kênh Người lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá Đại hội này chính là biểu hiện cụ thể sự lớn mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam như “rừng cây đoàn kết” đã đơm hoa kết trái. Cũng chính tại diễn đàn này, lần đầu tiên, Người đúc kết chân lý: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công.
Nhiều hiện vật thể khối là “chứng nhân” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gắn liền với vai trò, hoạt động của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam cùng với những câu chuyện xúc động, gây ấn tượng mạnh mẽ đối với khách tham quan. Đó là những tư trang, kỷ vật của các vị lãnh đạo, cán bộ Mặt trận như: “Nhật ký chiến trường”, “bản đồ vẽ tay”, “la bàn”, “đèn dầu”, “thùng đạn”, “tấm vải dù”, “chiếc chảo được chế từ vỏ bom Napan”… đã ghi dấu về cuộc sống, chiến đấu đầy gian khổ, khốc liệt nhưng với ý chí, quyết tâm, tinh thần đoàn kết của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quy tụ, tập hợp của Mặt trận đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng.
“Lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có chữ ký của hàng trăm đại biểu dự Đại hội Quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam ngày 25/11/1964” và tổ hợp hiện vật về Hội nghị Pari năm 1973… là những bằng chứng chân thực, sinh động về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam; những thành công to lớn trong hoạt động đối ngoại của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đóng góp vào sự nghiệp thống nhất nước nhà.
Nhiều tài liệu, hiện vật về khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay với sự đa dạng các loại hình, chất liệu... được sưu tầm, trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bắc tiếp những nhịp cầu nối quá khứ - hiện tại - tương lai thành một dòng chảy xuyên suốt về lịch sử vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam phản ánh quá trình sáng tạo, hoàn thiện, phát triển không ngừng của Đảng ta về đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng lực lượng cách mạng, về tổ chức và hoạt động của Mặt trận. Để Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phát huy giá trị trong việc tái hiện lịch sử Mặt trân Dân tộc thống nhất Việt Nam cần tiếp tục xây dựng các nguồn lực, trong đó có nguồn lực hiện vật, đầu tư nhiều hơn cho công tác tư liệu hóa, trưng bày, giới thiệu để hiện vật được kể những câu chuyện mang trong mình, chuyển tải đến công chúng những thông điệp cuộc sống thông qua dạng ngôn ngữ “đặc biệt” này.