Sáng 28/1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức nghi lễ dựng nêu (hay gọi Thướng nêu) ở khu di tích Thế Miếu (Hoàng cung Huế) thu hút sự chú ý của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Nghi thức Thướng nêu được cử hành với nhiều nghi thức độc đáo.
Nghi thức Thướng nêu (tức là dựng nêu) được cử hành nghiêm trang, binh lính tham gia lễ ăn mặc chỉnh tề. Đội binh lính rước nêu từ cửa Hiển Nhơn (phía Đông của Hoàng cung) đến di tích Thế Miếu, trong đoàn rước có đội biểu diễn tiểu nhạc rất trang trọng. Đến khu vực dựng nêu, sẽ tiến hành các nghi lễ dựng nêu trong không khí nghiêm trang, có đội đại nhạc trình diễn. Lễ vật dâng cúng gồm: lợn, xôi, gà, hoa quả… Theo quy định của triều Nguyễn, sau khi triều đình dựng nêu ở Thế Miếu xong thì những người dân ở Kinh thành mới bắt đầu dựng nêu. Các nghi thức lễ như nghinh thần, khánh hạ được cử hành trong âm thanh của Đại nhạc.
Trong đời sống cung đình ở Huế, trước ngày Tết người ta làm lễ dựng nêu để báo hiệu ngày Tết đã tới. Mục đích ban đầu để mừng ngày Tết, sau đó cúng Thần linh để phù hộ cho người nhà được bình an, cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu. Triều đình dựng nêu cũng để cầu cho mưa thuận gió hòa, dân chúng làm ăn thuận lợi. Dưới triều nhà Nguyễn, dựng nêu không chỉ là báo hiệu Tết mà còn để cầu cho mưa thuận gió hòa, dân chúng làm ăn thuận lợi, đất nước ấm no… Dưới triều vua Minh Mạng, mỗi lần thực hiện nghi lễ dựng nêu, triều đình sẽ chọn một số ấn triện bỏ vào sọt và treo lên cây nêu. Đến ngày mồng 7 tháng Giêng, sẽ hạ nêu và khai ấn, báo hiệu cho mở đầu một năm mới.
Nghi lễ dựng nêu ở khu di sản Hoàng cung Huế được tái hiện gần như đầy đủ các nghi thức ngày xưa.
Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sắp tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng sẽ mở cửa đón khách tham quan miễn phí di sản Huế trong các ngày 5, 6 và 7/2 (nhằm ngày mồng 1, 2 và 3 Tết); đồng thời sẽ tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nhã nhạc, nghi lễ cung đình, và các trò chơi cung đình tại Hoàng cung Huế để phục vụ nhân dân địa phương và du khách vui xuân.