Tình trạng mua bán người có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng tội phạm hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt: lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường; thông qua các trang mạng xã hội các đối tượng tiếp cận, rủ rê, giả vờ làm người yêu, lôi kéo đi du lịch, đi làm thuê thu nhập cao, xuất khẩu lao động với chi phí thấp… để lừa bán làm vợ, đẻ thuê, ép buộc làm mại dâm, cưỡng bức lao động.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết như vậy tại hội thảo “Rà soát, đánh giá chính sách, pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về”, diễn ra ngày 11/9.
Tranh minh họa.
Ngày 11/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức hội thảo “Rà soát, đánh giá chính sách, pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về”.
Những con số đáng báo động
Ông Paul Priest- Trưởng bộ phận Chương trình IOM, Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam cho biết, mỗi năm có hàng triệu người di cư bị mua bán trong nội địa và xuyên biên giới để rồi cuối cùng trở thành nạn nhân của lao động cưỡng bức. Theo ước tính trên thế giới hiện có khoảng 20 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức bao gồm cả các nạn nhân bị mua bán vì mục đích bóc lột tình dục và lao động. Còn tại Việt Nam, đánh giá về tình hình mua bán người, báo cáo Bộ Công an cho biết, xu hướng chung của các loại tội phạm hình sự, tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Trung bình hàng năm, toàn quốc phát hiện khoảng 400 vụ án mua bán người, 90% nạn nhân là phụ nữ, trẻ em gái.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, từ năm 2012 đến năm 2017 lực lượng chức năng đã giải cứu được khoảng 7.500 người. Nạn nhân bị mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em chiếm trên 90% và có đến 80% thuộc dân tộc ít người. Có đến 70% nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, chỉ làm ruộng hoặc không có việc làm. Nạn nhân bị bán ra nước ngoài chiếm trên 80%, trong đó hơn 75% sang Trung Quốc. Các nạn nhân là phụ nữ bị bán ra nước ngoài đa số bị ép kết hôn làm vợ và bóc lột tình dục chiếm gần 80%.
“Tình trạng mua bán người có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng tội phạm hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt: lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường phổ thông, đại học; thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber…) các đối tượng tiếp cận, rủ rê, giả vờ làm người yêu, lôi kéo đi du lịch, đi làm thuê thu nhập cao, xuất khẩu lao động với chi phí thấp… để lừa bán làm vợ, đẻ thuê, ép buộc làm mại dâm, cưỡng bức lao động”- Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu chỉ ra rằng, dù hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân đã được xây dựng, làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai công tác này ở các địa phương. Tuy nhiên, công tác này đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do chính những chính sách và cơ chế.
Cần sửa đổi cơ chế cho phù hợp
Thực tế cho thấy, từ khi Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 đến nay, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã ban hành hệ thống các văn bản, chính sách cơ bản đồng bộ, có tính khả thi, tạo khung pháp lý thuận lợi hơn để thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hoà nhập cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân, đã nảy sinh những bất cập về cơ chế, chính sách dẫn đến việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Theo ông Lê Đức Hiền- Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTBXH, dù nhiều chính sách được ban hành, nhưng pháp luật vẫn chưa quy định việc loại trừ trách nhiệm hành chính cho nạn nhân. Vì vậy mới xảy ra tình trạng trớ trêu là phụ nữ đã là nạn nhân của tội phạm mua bán người, họ có thể còn bị phạt tiền vì hành vi bán dâm, xuất nhập cảnh trái phép, sử dụng giấy tờ giả mạo để xuất nhập cảnh. Quy định này có thể làm tổn hại đến quá trình hỗ trợ, tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân, gây cho họ cảm giác sợ hãi và bị kỳ thị.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác giải cứu cũng như hỗ trợ nạn nhân các vụ mua bán người tái hòa nhập, đại diện Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng cũng cho biết, trong những năm gần đây quan hệ hợp tác trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống mua bán người giữa các nước trong khu vực đã được cải thiện, song cũng còn nhiều bất cập, nhất là trong các lĩnh vực trao đổi thông tin, truy bắt tội phạm, điều tra xử lý đối tượng... Đặc biệt trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân còn nhiều khó khăn, nhất là khi các nước trao trả hàng loạt (có ngày trao trả trên 40 người), nhưng các đơn vị bộ đội biên phòng hầu hết không có nhà tạm lánh. Sau khi tiếp nhận nạn nhân từ nước ngoài trở về, các phải có một thời gian lưu giữ nạn nhân để điều tra, xác minh, xác nhận nạn nhân, khám chữa bệnh, trợ giúp pháp lý… Trong khi đó vấn đề nhà ở, thuốc chữa bệnh và các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân chưa được đầu tư, chưa có kinh phí.
Để khắc phục những hạn chế trong cơ chế, chính sách tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, các đại biểu cho rằng cần sửa đổi Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội năm 2005 theo hướng miễn trừ trách nhiệm hành chính cho nạn nhân bị mua bán trong một số trường hợp như bán dâm, xuất nhập cảnh trái phép, sử dụng giấy tờ giả mạo để xuất nhập cảnh để tránh cho họ cảm giác sợ hãi và bị kỳ thị, qua đó hỗ trợ tốt hơn việc tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân. Đồng thời bổ sung vào Nghị định quy định về từng dạng đối tượng được hỗ trợ và dịch vụ hỗ trợ với từng đối tượng nạn nhân, bao gồm những nạn nhân tự trở về, nạn nhân ở địa phương khác, nạn nhân là nam giới, để tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền các địa phương trong việc hỗ trợ các đối tượng khác nhau….
* Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà, tình trạng mua bán người có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng tội phạm hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt: lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường phổ thông, đại học; thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber…) các đối tượng tiếp cận, rủ rê, giả vờ làm người yêu, lôi kéo đi du lịch, đi làm thuê thu nhập cao, xuất khẩu lao động với chi phí thấp… để lừa bán làm vợ, đẻ thuê, ép buộc làm mại dâm, cưỡng bức lao động.