Sáng 18/4, Bộ LĐTB&XH; đã tổ chức họp báo công bố tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2017 và thông tin về Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động lần 2 năm 2018.
Theo ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐTB&XH cho biết, cả nước năm 2017 xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động, làm chết 928 người. Đáng lưu ý, từ số vụ tai nạn lao động có người chết, ông Nguyễn Anh Thơ cho biết còn tới 45,51% nguyên nhân chủ quan do người sử dụng lao động.
Trong đó có tình trạng người sử dụng lao động vi phạm các quy định, để cho tình trạng máy móc không an toàn, không áp dụng đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thiếu các điều kiện an toàn cần thiết. Số vụ tai nạn lao động có nguyên nhân do người lao động chiếm khoảng 20%.
Trong đó, đáng lưu ý là tình trạng người lao động bị tai nạn do vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động. Còn lại khoảng 34,5% là những vụ tai nạn lao động xảy ra do các nguyên nhân khách quan.
Trong năm 2017 có 10 địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất, trong đó TP HCM đứng đầu với 122 vụ, 123 người chết, 306 người bị thương nặng.
Sau TP HCM là Hà Nội với 66 vụ tai nạn lao động với 66 người chết và 64 người bị thương nặng. Các tỉnh Bình Dương, Quảng Ninh, Phú Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, Yên Bái, Thanh Hóa cũng được “điểm danh” trong nhóm địa phương có người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2017.
Tuy nhiên đáng lưu ý là trong gần 9.000 vụ tai nạn lao động, làm chết 982 người và bị thương 9.173 người nhưng chỉ có 4 vụ được khởi tố.
Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, theo quy định, việc điều tra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng thuộc thẩm quyền của địa phương, trong đó có sự phối hợp của sở LĐTB&XH. Trong quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển hồ sơ cho công an để xem xét khởi tố vụ án.
Việc có khởi tố hay không thuộc thẩm quyền của cơ quan công an, viện kiểm sát. Dù vậy ông Hà Tất Thắng thừa nhận, việc xử lý hình sự các vụ tai nạn lao động còn ít, dẫn đến giảm tính răn đe.
Để giảm các vụ tai nạn, ông Thắng cho biết ngoài việc có ý kiến chính thống đến các địa phương yêu cầu xử lý nghiêm các vụ tai nạn lao động để tăng trách nhiệm của người sử dụng lao động, sắp tới đơn vị sẽ công bố các doanh nghiệp, đơn vị sai phạm lên phương tiện truyền thông. Theo đó, ông Thắng hy vọng việc làm trên sẽ hiệu quả hơn xử phạt hành chính.
Trước thực trạng trên, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động lần thứ 2 năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 31/5.