Trong một lần trò chuyện, TS Phạm Trung Lương- nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch từng chia sẻ với chúng tôi rằng: Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch phong phú hơn nhiều so với một số nước trong khu vực, nhưng chúng ta đã và đang để lãng phí quá lâu. Theo đó nếu chỉ tính doanh thu từ du lịch thông qua tiền bán vé vào cửa các khu di tích, danh thắng, điểm tham quan… tức là chúng ta mới chỉ khai thác 1/10 tiềm năng đang có. Lẽ ra du lịch Việt có thể đã có thể “hút tiền” củ
Du khách VN tham quan Vịnh Pattaya - Thái Lan. (Ảnh: M.Quang).
“Amazing Thái Lan”
Amazing Thái Lan (kinh ngạc Thái Lan) là Slogan du lịch của người Thái. Và trong chuyến tham quan mới đây tới đất nước này, chúng tôi đã tận mắt thấy công nghệ làm du lịch ở xứ người. Ngoài chi phí cho vé vào cửa đã được mua trọn gói theo tour thì ở bất kỳ một điểm tham quan nào, người Thái cũng khéo léo khiến du khách phải vui vẻ móc hầu bao. Đơn cử như khi đoàn vừa đặt chân tới vịnh Pattaya, đã sẵn một nhóm phó nhòm tác nghiệp. Họ chụp ảnh du khách một cách như vô tình nhưng lại rất chuyên nghiệp. Sau đó những tấm ảnh ấy được in phóng và lồng khung trang trọng, đẹp đẽ bày trên đường du khách trở ra. Giá mỗi tấm ảnh ấy là 100 bath (tương đương với 70 ngàn đồng tiền Việt Nam). Du khách có thể mua tấm ảnh ấy hay không thì tùy, nhưng không hề bị ép hoặc bị đeo bám để đòi tiền.
Làm một phép tính đơn giản, giá 70 ngàn đồng cho một bức ảnh cao gấp 2 đến 3 lần so với giá dịch vụ chụp ảnh ở những điểm tham quan trong nước. Dẫu vậy người Thái đã văn minh hơn khi họ không chèo kéo du khách chụp hình. Chỉ một việc nhỏ ấy cũng khiến tâm lý du khách thoái mái và tự nguyện khi lấy ảnh. Và cũng chỉ làm một phép tính nhanh, chỉ cần một nửa du khách trong đoàn tham quan lấy ảnh là họ đã quá lãi. 100 bạt là số tiền nhỏ, nhưng nếu nhân lên với hàng ngàn du khách qua vịnh Pattaya mỗi ngày, số tiền thu được từ dịch vụ chụp hình sẽ lớn tới mức nào.
Vườn thú của người Thái cũng là điểm tham quan “đẻ ra tiền”. Ở Công viên Sriracha Tiger Zoo (cách thành phố Pattaya chừng 30 phút đi ô tô) ngoài việc tham quan hổ và thú nuôi, du khách còn được xem xiếc thú. Chẳng hạn như xem lợn biểu diễn tài làm toán, xem biểu diễn xiếc cá sấu… Và như một qui luật bất thành văn, sau mỗi màn biểu diễn du khách phải có tiền “tip” cho người hoặc thú đã tham gia biểu diễn. Những con thú được huấn luyện thành thục cũng biết cách nhận tiền “tip” một cách rất chuyên nghiệp.
Điều nhìn thấy rõ nhất là tài nguyên du lịch của Thái Lan không giàu có như ở Việt Nam. Song rõ ràng người Thái làm du lịch không phụ thuộc nhiều vào điều kiện thiên nhiên ban tặng, ngoài các danh lam thắng cảnh tự nhiên có sẵn, tất cả các điểm du lịch hút khách đều do bàn tay con người kiến tạo. Ở Thái Lan hầu hết các điểm du lịch kết hợp mua sắm, quảng bá cho một sản phẩm cực bài bản đã khiến du khách không ngần ngại rút ví.
Biểu diễn xiếc voi tại Thái Lan.
Du lịch Việt còn thiếu nhiều thứ
Ngay cả lúc kinh tế khủng hoảng, lượng khách du lịch đến Thái Lan vẫn là một ước mơ xa xỉ của du lịch Việt Nam. Hiện trung bình mỗi năm chỉ riêng thủ đô Bangkok- Thái Lan đã đón 18 triệu lượt du khách nước ngoài. Chính vì thế, trở lại với nhận định của TS Phạm Trung Lương, nếu chỉ trông đợi doanh thu từ bán vé, du lịch Việt Nam sẽ mãi mãi ở dạng “tiềm ẩn”. Trong khi chỉ đơn cử duy nhất ở lĩnh vực gắn kết tour du lịch với điểm đến làng nghề, ngay tại thủ đô Hà Nội cũng đang bị bỏ phí tiềm năng. Đã có rất nhiều hội thảo được tổ chức để tìm lời giải, nhưng dường như đó vẫn là những giải pháp nằm trên giấy.
Hiện Hà Nội có tới gần 1.400 làng nghề thủ công truyền thống, nhưng người dân tại các làng nghề hiện nay chưa được trang bị kiến thức về tiếp thị khách du lịch, chưa được hướng dẫn cách làm ra những sản phẩm hấp dẫn để cuốn hút du khách. Khách du lịch đến các làng nghề nhưng họ không biết phải tham quan cái gì, không hiểu gì về văn hóa cũng như tập quán sản xuất của địa chỉ tham quan, do đó họ không thấy thú vị. Vì thế, mà du lịch làng nghề ở Hà Nội khó phát triển để thu hút khách du lịch. Hơn mười năm qua, kể từ khi thành phố có chủ trương đưa làng nghề vào khai thác du lịch, mảnh đất màu mỡ này phần lớn vẫn ở dạng tiềm ẩn. Nhìn vào lịch trình tour tham quan Hà Nội của các doanh nghiệp lữ hành, hầu như tour nào cũng chỉ có hai điểm đến gần như cố hữu là gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc. Còn các điểm làng nghề khác, dù đã được Nhà nước và chính quyền thành phố cũng như Tổng cục Du lịch định hướng, kêu gọi phát triển làng nghề gắn với du lịch nhưng kết quả vẫn trong tình trạng “nửa thức nửa ngủ”.
Tại sao lại bỏ phí du lịch làng nghề lâu đến vậy? Đại diện Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch chia sẻ: Thừa tiềm năng nhưng thiếu định hướng phát triển một cách qui hoạch bài bản nên các làng nghề vẫn chưa phát huy hết thế mạnh của mình. Trong khi du lịch làng nghề những năm gần đây đang được xem là một loại hình du lịch “homestay” được nhiều nước trên thế giới và một số điểm trong nước áp dụng rất hiệu quả. Ở đó, du khách không chỉ đến xem, tham quan, mua sắm, hơn thế, điều mà du khách thực sự thích thú là được trực tiếp tham gia các công đoạn sản xuất thủ công và tự trải nghiệm, khám phá.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, du lịch làng nghề Hà Nội chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp được một phần là do tâm lý cách làm du lịch ở hầu hết các làng nghề vẫn theo kiểu “ăn xổi”, chỉ nặng tâm lý khai thác các điểm di tích sẵn có. Nhưng điều đáng tiếc hơn là người dân ở các làng nghề rất muốn được làm du lịch, nhưng họ lại không biết làm thế nào, không có các kiến thức về du lịch, từ việc giao tiếp đến sáng tạo các sản phẩm thủ công. Chính vì thế nên chưa làm hài lòng được du khách.
Du lịch Việt còn thiếu nhiều thứ. Điều nhỏ nhất là một món quà lưu niệm mang đặc trưng của mỗi vùng đất. Nếu như quà lưu niệm cho khách du lịch từ lâu đã trở thành nguồn lợi nhuận không nhỏ cho ngành du lịch của nhiều quốc gia thì Việt Nam vẫn đang loay hoay với việc tìm sản phẩm lưu niệm đặc trưng riêng của mình.