Ngày 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán nhà nước (KTNN).
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết: Theo kế hoạch, KTNN sẽ thực hiện 188 cuộc và dự kiến tổ chức thành 211 đoàn. Đến 31/8/2021, đã triển khai 144/211 đoàn, kết thúc 108 đoàn (đạt 51% kế hoạch), phát hành 83 BCKT, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều đoàn đang triển khai phải dừng thực hiện (37 đoàn). Tổng hợp sơ bộ đến 31/8/2021 đối với 91 BCKT đã phát hành KTNN kiến nghị xử lý tài chính 52.095 tỷ đồng; hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật. Trong 8 tháng đầu năm 2021, KTNN đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán
Theo ông Thanh, kết quả kiểm toán cho thấy các đơn vị còn chưa chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật trong quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; quản lý tài sản, đất đai, tài nguyên khoáng sản; quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị; quản lý doanh thu, chi phí, công nợ; thậm chí có trường hợp hạch toán vào chi phí hợp lý một số khoản không hợp lý, không có căn cứ, làm giảm lớn số thuế TNDN phải nộp NSNN; một số cơ chế chính sách chậm được sửa đổi và chưa sát thực tế, hiệu quả chính sách chưa cao.
Thẩm tra báo cáo của KTNN, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhìn nhận, các cuộc kiểm toán kết thúc cơ bản thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra. Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đến 31/8/2021, đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều sai phạm liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, đã chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan cảnh sát điều tra; đề xuất kiến nghị sửa đổi 205 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.
Đáng lưu ý, ông Cường băn khoăn khi tỷ lệ thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN năm 2021 thấp hơn so với các năm trước, đến ngày 31/8/2021 chỉ đạt 49,9% (năm 2020 đạt 55,9%; năm 2019 đạt 51,3%), trong đó việc thực hiện các kiến nghị liên quan đến sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế văn bản các năm gần đây đạt tỷ lệ thấp.
Từ thực tế trên, ông Cường đề nghị, KTNN bổ sung, làm rõ chi tiết danh mục các văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế; bổ sung báo cáo việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị còn tồn đọng từ những năm trước; làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và cung cấp danh sách cụ thể các cơ quan, đơn vị không thực thiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của KTNN qua từng năm.
Trước việc tỷ lệ thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN năm 2021 thấp hơn so với các năm trước, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt vấn đề: “Tỷ lệ thực hiện các kiến nghị của kiểm toán trong năm 2021 rất thấp, chỉ đạt 49,9%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (55,9%). Đáng chú ý trong 3 năm gần đây kết quả thực hiện các kiến nghị của kiểm toán đều thâp và năm 2021 là thấp nhất. Đây là vấn đề đã nói nhiều năm cho nên cần lưu ý, và có giải pháp. Do đó cần công khai các đơn vị không thục hiện kết luận của kiểm toán để báo cáo trước Quốc hội.
Bà Nga cũng đánh giá việc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm rất ít, chỉ chuyển 1 vụ cho cơ quan điều tra. Trong khi đó cơ quan thẩm tra lại cho biết chuyển 5 vụ. “1 vụ hay 5 vụ nhưng tại sao số chuyển cơ quan điều tra lại rất ít?, có biểu hiện thiên về xử lý hành chính và nương nhẹ”-bà Nga đặt câu hỏi và đề nghị làm rõ “tại sao sai phạm nhiều mà chuyển cơ quan điều tra ít thế?”.
Cùng chung quan điểm quan tâm đến việc thực hiện các kiến nghị của kiểm toán, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, cần công bố, công khai với Quốc hội về các cá nhân, tổ chức ban hành các văn bản không đúng thẩm quyền, sai quy định để khắc phục tồn tại hạn chế và các kiến nghị kiểm toán sẽ được thực hiện nghiêm chỉnh hơn. Nhất là hiện thực hiện kết luận kiểm toán mới được gần 50%.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, phải công khai minh bạch hoạt động kiểm toán.“Công khai là vũ khí rất quan trọng của hoạt động kiểm toán. Một mặt có tác động siết chặt kỷ luật, kỷ cương thực hiện ngân sách, thực hiện các kiến nghị kiểm toán. Mặt khác qua công khai, người dân trở lại giám sát hoạt động của kiểm toán. Điều này có tác dụng rất tốt cho hoạt động kiểm toán cho nên cần công khai bằng nhiều cách”-Chủ tịch Quốc hội cho hay.