Nhiều người nghĩ phải đến chùa to, chùa lớn thì cầu được nhiều hơn, thiêng hơn. Thượng tọa Thích Minh Quang cho rằng, đó là quan niệm lầm lạc. Mọi người đến chùa nào cầu cũng được, miễn là làm sao tâm mình an, thì mọi sự sẽ an. Khi chúng ta hiểu rõ Phật pháp rồi, thì phần cầu cúng nên giảm bớt. Điều quan trọng đối với Phật tử là học Đạo, hiểu Đạo và thực hành Đạo theo lời Đức Phật dạy: làm điều lành, tránh điều ác.
Muốn chấm dứt khổ đau phải nhờ vào tuệ giác
Trước hết, chúng ta nên có cái nhìn tổng thể. Trong xã hội có nhiều tầng lớp, có người quy y Tam bảo, có người lần đầu tiên đến với chùa. Ở đây tôi muốn nói đến đạo Phật. “Đạo” là con đường, “Phật” là giác ngộ. Giác ngộ về bản thân, cuộc đời, thế giới. Cuộc đời là vô thường, sinh, lão, bệnh, tử. Chúng ta giác ngộ bản thân từ đó tu tập đem lại an lạc cho chính mình và những người xung quanh.
Chúng ta thấy đạo Phật bản chất là tôn giáo để tìm con đường giải thoát bằng con đường tu tập. Nhưng có bộ phận quần chúng chưa hiểu biết đã biến Đức Phật thành ông thần để xin. Tôi vẫn nói đùa, nhiều người lên chùa đặt lễ rồi “khoán” cho Phật nhiều việc quá nào là “thăng quan tiến chức”, nào là “buôn may bán đắt”, cầu tài cầu lộc… Đó đều là sai lầm. Bởi lên chùa là để thể hiện lòng thành kính với đức Phật, đến với đạo Phật là thấy chính mình.
Mỗi chúng ta đều phải tu học, tinh tiến, giác ngộ để thấm nhuần lời Phật dạy. Lễ Phật là để hiểu lời kinh ý Phật thực tập vào cuộc sống. Muốn chấm dứt khổ đau phải nhờ vào tuệ giác. Mỗi chúng ta ai cũng có nỗi khổ niềm đau. Cho nên nỗi khổ niềm đau không bao giờ hết để chấm dứt nỗi khổ niềm đau không có cách nào khác là nhờ vào tuệ giác để thấy rõ biết rõ sự thật bản thân và cuộc đời, thế giới và từ đó phiền não mới tan biến, mới phát sinh hỷ lạc.
Chỉ cầu riêng cho mình thể hiện lòng tham
Việc cầu cúng cầu nguyện là nhu cầu cần thiết nhưng cầu như thế nào cho đúng? Ước nguyện cầu mong cuộc sống bình an là ước nguyện chung mỗi người. Đầu năm hay đến chùa lễ Phật, cầu cho bản thân, người thân được bình an, cầu quốc thái dân an. Tuy nhiên chúng ta cầu nguyện làm sao cho phù hợp. Chúng ta đừng cầu nguyện cho riêng mình, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa thì đã có mình. Còn chỉ cầu riêng cho mình thể hiện lòng tham.
Theo quan sát thực tế, có người đến chùa nhiều khi bằng cảm tính, hoặc do ông bà cha mẹ đến chùa thì cũng đi chùa, hoặc đến chùa cầu phát tài, mua may bán đắt. Tuy nhiên, trong 10 năm gần đây, quần chúng đến chùa tu theo đạo ngày càng đông. Tôi mong các Phật tử cố gắng coi nghi lễ cầu cúng chỉ là phương tiện nhưng từ đó mỗi chúng ta lại phải tự tu học tinh tiến giác ngộ. Như tôi từng nói, lễ Phật giả, kính Phật tri đức.
Chính vì vậy, muốn chấm dứt khổ đau nhờ vào tuệ giác. Mỗi người chúng ta muốn nỗi khổ niềm đau vơi đi phải nhờ vào tuệ giác. Cũng nhờ vào tuệ giác để biết rõ cuộc đời, thế giới.
Vì vậy tín đồ Phật tử đi tới nơi tâm linh nào hãy thể hiện lòng thành kính với đức Phật, bước vào cửa Phật là cửa giải thoát vì thế hãy để cho tâm mình được lắng đọng. Giác ngộ đạo Phật khi đến với chùa là đến với chính mình. Đến chùa chỉ thấy Phật mà chưa thấy mình thì phải cố gắng nhiều lắm.
Điều quan trọng của Phật tử khi đến chùa là phải hiểu Phật Pháp. Khi chúng ta hiểu rõ Phật pháp rồi, thì phần cầu cúng nên giảm bớt. Điều quan trọng đối với Phật tử là học Đạo, hiểu Đạo và thực hành Đạo theo lời Đức Phật dạy: làm điều lành, tránh điều ác.
Muốn giải nghiệp xấu phải sám hối, tu tập
Chúng ta vẫn thường nghe tới khái niệm “nghiệp”. Nhà Phật nói như thế này, mỗi chúng ta có 3 nghiệp: Thân, khẩu, ý. Nghiệp là kết quả của hành động, lời nói, ý nghĩ. Như vậy, mỗi bước chân đi, mỗi lời nói đều có nghiệp. Tuy nhiên, lời nói tốt thì gieo nghiệp tốt và ngược lại.
Tuy nhiên, muốn giải nghiệp xấu thì không có cách nào khác phải sám hối, tu tập. Chỉ có thường xuyên sám hối, tu tập mới giải nghiệp được. Có người hỏi, gia tiên tiền tổ tạo nghiệp xấu giờ phải đi cúng tiền giải nghiệp. Ở kinh địa tạng nói, nghiệp ai làm người đó chịu. Vậy nên, nếu muốn giải nghiệp cho tổ tiên thì phải hồi hướng, làm nhiều điều tốt còn dùng tiền để giải nghiệp thì không phù hợp với giáo lý nhà Phật.
Nghiệp không dùng lễ mà giải được, tự tạo thì tự giải thôi. Sám hối là ăn năn hối lỗi cái mình đã làm, nói nôm na là biết sai thì sửa. Chúng ta phải biết sám hối nghiệp chướng, ăn năn sám hối. Bên cạnh đó phải siêng năng tu tập, là làm điều lành, tránh điều ác. Mỗi chúng ta biết làm điều hay, nói lời tốt, tâm thiện thì chắc chắn đời sẽ bình an. Còn mang tiền đi giải nghiệp thì tiền mất tật mang. Nút thắt ta buộc thì ta tự cởi. Tại sao nhà Phật luôn nhấn mạnh phải tu tập.
Còn về vấn đề phúc, nhà Phật cũng đề cập đến cúng dường bố thí. Bố thí gồm 3 nội dung. Tài thí là vật chất gồm nội tài, ngoại tài. Nội tài là hiến tạng, hiến mô để lại hạnh phúc cho người còn lại. Ngoại tài là hỗ trợ vật chất nếu có thể. Bố thí thứ hai, pháp thí là cho người khác điều hay, ý đẹp, chân lý làm sao để thoát được nỗi khổ niềm đau. Vô ý thí là cho người ta không có sự sợ hãi của cuộc sống.
Trục lợi tâm linh là tội lỗi rất lớn là tạo nghiệp rất nặng. Những người trục lợi tâm linh để đưa người ta vào u mê là tội lỗi. Chúng ta thấy được việc này chúng ta phải lên án việc đó. Trục lợi tâm linh là tội lỗi vô cùng.
Đến chùa không phân biệt to, nhỏ
Bây giờ nhu cầu tâm linh của bà con, tín đồ Phật tử ở Việt Nam khá lớn. Trong các dịp đầu năm rất nhiều bà con đến chùa tham quan, vãn cảnh, cầu nguyện một năm bình an, mọi sự thuận lợi. Đến chùa hay địa chỉ tâm linh, chúng ta nên làm thế nào để vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh của mình vừa giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống. Chúng tôi luôn nhấn mạnh văn hóa đi lễ chùa.
Những năm gần đây sự vào cuộc của các cấp các ngành, địa phương và đặc biệt là tuyên truyền mạnh mẽ của các cấp Giáo hội Phật giáo cũng như nhà chùa, chúng tôi nhận thấy bà con nhân dân, tín đồ Phật tử khi đến chùa khác trước rất nhiều.
Năm 2012, tôi chứng kiến lễ hội đầu năm vào ngày mồng 6 tháng Giêng ở chùa Bái Đính, sau lễ hội cây cối xơ xác, rác khắp nơi. Chỗ nào cũng tờ tiền giấy vàng khói hương nghi ngút. Tiền lẻ nhét đầy tay tượng, bàn thờ. Nhưng những năm gần đây, bà con, tín đồ Phật tử đi chùa văn minh hơn rất nhiều, không còn tay xách nách mang mang nhiều lễ vật đến chùa. Đi với tâm thế nhẹ nhàng, vãn cảnh, tĩnh tâm, cầu nguyện. Tình trạng chen lấn xô đẩy, dắt tiền lẻ, khói hương nghi ngút đã hạn chế rất nhiều. Chúng ta phải nhìn bằng hai mặt, chứ không phải chỉ nhìn một mặt mà không thấy mặt tích cực.
Tuy nhiên, không phủ nhận việc đâu đó vẫn còn một bộ phận bà con chưa hiểu rõ, hoặc do tính hiếu kỳ nên không phải đến chùa để lễ Phật mà chỉ là dịp đi chụp ảnh. Đi chùa vẫn theo tâm lý đám đông, vẫn chen lấn, giành giật chứ chưa tìm hiểu nơi mình đến thờ ai, lễ cúng ra sao… Chính vì thế không tránh khỏi những hành vi không phù hợp với giáo lý nhà Phật, đi ngược lại với tập tục, tín ngưỡng thờ cúng của dân tộc. Tôi mong bà con nhân dân dến chùa lễ Phật hay chiêm bái, chụp ảnh thì phải giữ gìn nơi đó trang nghiêm thanh tịnh, như vậy chúng ta cầu nguyện mới được như nguyện. Giữ nơi tâm linh được xanh - sạch - đẹp.
Nhiều người quan niệm phải đến chùa to, chùa lớn thì cầu được nhiều hơn, thiêng hơn. Đó là quam niệm lầm lạc. Đã đến với chùa thì không phân biệt chùa to, chùa nhỏ. Vì Phật là Phật chung, cảnh là cảnh riêng. Chùa to cũng thờ Phật, chùa nhỏ cũng thờ Phật. Cửa Phật chung bốn biển một nhà, nam nữ quý tiện hiền ngu bình đẳng. Mọi người đến chùa nào cầu cũng được, miễn là làm sao tâm mình an. Vì tâm mình an, vạn sự an. Tâm mình tịnh, cõi nước tịnh. Còn mình có đến chùa to hay chùa nhỏ, chùa cũ hay chùa mới mà tâm mình bất an thì cũng thế thôi. Cho nên cái suy nghĩ đến chùa to cảnh lớn hay chùa cổ chùa cũ để được này được nọ là suy nghĩ chưa đúng với giáo lý nhà Phật. Vì thế mong bà con khi đi đến lễ Phật, thăm quan chiêm bái thì mong tất cả cố gắng giữ trang nghiêm thanh tịnh nơi tâm, nơi thân; không chen lấn xô đẩy. Chúng ta hãy dành thời gian tĩnh tâm, phẳng lặng để lễ Phật, soi lại chính mình, cầu các bậc Bồ tát phù hộ cho sự bình an...