Tới thời điểm này, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Nam Mỹ đã trở thành tâm dịch mới trong đại dịch Covid-19 với hơn 100.000 ca nhiễm. Trong đó, Brazil bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành, đồng thời là người đứng đầu Chương trình khẩn cấp của WHO thì “chúng ta đang chứng kiến rất nhiều quốc gia Trung - Nam Mỹ với số ca nhiễm gia tăng mỗi ngày. Sự lo lắng đang tràn qua các nước này và Brazil đang là nước bị tác động lớn nhất”. Như vậy, Brazil đang là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ, với hơn 21.000 người thiệt mạng.
Người dân Nam Mỹ cầu nguyện cho dịch Covid-19 mau qua.
Trong khi dịch Covid-19 đanh hoành hành dữ dội ở Brazil, thì Tổng thống nước này- ông Jair Bolsonaro- cũng phải nhận những chỉ trích gay gắt. Bởi trước đó, chính ông không ít lần phát biểu cho rằng Covid-19 chỉ là bệnh cúm thông thường, vẫn tiếp tục kêu gọi người dân đi làm như bình thường trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) lại đưa ta ra cảnh báo khu vực Mỹ Latinh - “tâm chấn” mới của dịch Covid-19 sẽ phải trải qua những tuần lễ cực kỳ khó khăn do dịch bệnh bùng phát. Trong đó, Brazil sẽ chịu nhiều thiệt hại nhất. Cảnh báo này đã thổi bùng sự phẫn nộ ở Brazil khi mà cả Tổng thống lẫn hệ thống y tế nước này cùng bị chỉ trích.
Nói như Phó Giám đốc PAHO Jarbas Barbosa, khu vực Mỹ Latinh sẽ phải đón những tuần lễ rất khó khăn vì thế đây không phải là lúc có thể nới lỏng những hạn chế được áp dụng để kiểm soát virus SARS-CoV-2 như chính phủ các nước Brazil, Mexico và Peru đang làm, khi cũng là những nước có số ca mắc cao nhất khu vực. Với riêng Brazil, Giám đốc bộ phận Bệnh truyền nhiễm của PAHO Marcos Espinal thì nước này còn cả một chặng đường dài cần vượt qua.
Căng thẳng và căng thẳng
Tuy nhiên, không chỉ riêng Brazil bị Covid-19 tàn phá, mà nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng đang oằn mình vì dịch bệnh. Tại Chile, Peru, Ecuador, Venezuela… sự lây lan của đại dịch đang tăng tốc. Tại Bolivia và Paraguay, tưởng chừng bão Covid-19 đã tan nhưng hiện nó đang có dấu hiệu quay trở lại.
Theo vị Giám đốc bộ phận Bệnh truyền nhiễm của PAHO thì phần lớn các nước Nam Mỹ đã không thực hiện đủ xét nghiệm để phát hiện người bệnh nên dịch đã âm thầm lây lan ra cộng đồng. Mà điều đó tất yếu dẫn tới sự bùng phát dịch bệnh. Chính vì thế, ông Marcos Espinal đề nghị tăng cường xét nghiệm trên diện rộng và “phải coi đây là cách duy nhất để có một bức tranh rõ ràng về diễn biến của dịch, từ đó mới hy vọng ngăn chặn”.
Những ngày qua, báo chí cũng như mạng xã hội khu vực Nam Mỹ dày đặc thông tin, hình ảnh về Covid-19. “Nghĩa trang tại các thành phố lớn ở Brazil bị quá tải. Bệnh viện ở thủ đô Peru bên bờ sụp đổ. Chúng ta sẽ đi về đâu?”- đó là những gì người ta nghe từng giờ khi mà dịch Covid-19 như “cơn sóng thần” hoành hành Nam Mỹ và Caribe.
Một người giao hàng tại trung tâm thành phố Rio de Janeiro (Brazil), Ảnh: AFP.
Không chỉ với Brazil mà cả Trung - Nam Mỹ, theo AFP, khu vực này đang phải trả giá đắt cho chủ trương không phong tỏa, vẫn mở cửa làm việc và tái khởi động kinh tế. Với thành phố “khổng lồ” Sao Paulo của Brazil (khoảng 46 triệu dân), nghĩa trang đã quá tải.
Sau Brazil là Peru, ổ dịch lớn thứ hai của khu vực Nam Mỹ. Tuy chỉ có 32 triệu dân, nước này ghi nhận có tổng cộng gần 110.000 ca nhiễm bệnh và 3.250 người chết (tới thời điểm 29/5). Một Giám đốc bệnh viện ở Lima (Peru) nói với AFP rằng “quang cảnh hãi hùng chẳng khác gì trong phim kinh dị khi bệnh viện cũng là nghĩa trang, người chết cả trên những chiếc xe lăn”. Trong khi đó các cơ sở y tế không còn khả năng chăm sóc người bệnh do thiếu các trang thiết bị bảo hộ, giường hồi sức tăng cường, máy trợ thở, các bộ xét nghiệm cũng như nhiều dụng cụ y khoa khác.
Theo trang Worldometers.info, xu hướng dịch Covid-19 “hạ nhiệt” tiếp tục diễn ra ở nhiều quốc gia, xét cả về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2. Nhưng với Trung và Nam Mỹ thì lại đang rơi vào lúc nóng bỏng, còn châu Phi thì vẫn là “một ẩn số”. Worldometers.info đưa ra một nhận xét hài hước rằng “xứ sở Samba (Brazil) đã qua mặt xứ sở Bạch dương (Nga) về tổng số ca mắc Covid-19”.
Còn tại Argentina, Tổng thống Alberto Fernandez đã buộc phải ký sắc lệnh kéo dài biện pháp cách ly xã hội bắt buộc tới ngày 7/6 (trước đó lệnh cách ly xã hội bắt đầu từ ngày 20/3) chỉ vì số ca mắc Covid-19 đã tăng mạnh trong hơn 10 ngày qua, đặc biệt ở những khu dân nghèo tại thủ đô Buenos Aires khiến tình hình trở nên phức tạp và khó lường.
Vì sao và vì sao?
Đó là câu nói cửa miệng của những người dân Trung và Nam Mỹ những ngày nay. Họ lo lắng và tự cắt nghĩa cho riêng mình với niềm hy vọng rất mơ hồ rằng dịch Covid-19 sẽ nhanh qua.
Tuy nhiên, giới khoa học thì không nghĩ đơn giản như vậy, khi nhiều người đã thẳng thắn vạch ra những sai lầm của chính phủ nước mình khi để dịch bệnh lây lan.
Michael Fernandez- một chuyên gia vi trùng học người Bolivia cho rằng chính quyền đã không chịu học bài học từ châu Á, châu Âu khi mà dịch bệnh quét qua một cách rât khủng khiếp. “Họ đã lập tức đóng cửa biên giới, hủy các chuyến bay, đóng cửa nhà ga, bến xe và không cho học sinh đến trường. Còn chúng ta thì sao? Các đường phố vẫn đông người. Đêm đến, các nhà hàng, quán bar vẫn dập dìu. Chính vì sự chủ quan của giới chức lãnh đạo đã khiến dân chúng chủ quan, cho đến khi nhận ra thì đã muộn màng”-Tiến sĩ M.Fernandez gay gắt lên tiếng.
Một cặp đôi đi dạo bên bãi biển Leblon, giữa lúc dịch Covid-19 hoành hành ở Brazil. Ảnh: Reuters.
Với giới y học Brazil, họ cho rằng chính quyền (mà cụ thể là Tổng thống Bolsonaro) đã “phớt lờ” ý kiến của họ. “Giữa tính mạng con người và lợi ích kinh tế, các vị chính trị gia đã chọn vế thứ hai, nghĩa là chọn tiền. Họ không hề có chút kiến thức nào về y tế, về bệnh tật, nhất là bệnh truyền nhiễm do virus nhưng họ lại đưa ra những lời khuyên cho dân chúng. Điều đó thật là tai hại”- một bác sĩ ở Lima nói.
Truyền thông Ecuador lại nhìn vấn đề ở một góc khác khi cho rằng giới quan chức không bao giờ sống thiếu thốn nên không thể biết người nghèo sống ra sao và họ bất lực thế nào khi bị dịch bệnh tấn công. Họ không có cách gì tự bảo vệ mình nên đành đến đâu hay đến đó, có nghĩa là “họ đã bất cần đến độ không cần uống thuốc, không cần đến bệnh viện mà vẫn ở trong những ngôi nhà tăm tối của mình”.
Theo một số dự báo, Brazil, quốc gia với 210 triệu dân sẽ thực sự trở thành tâm dịch của thế giới vào tháng 6. Giới khoa học cho rằng, số lượng người nhiễm virus tại Brazil thực sự có thể cao gấp 15 đến 20 lần so với số liệu được công bố (có nghĩa là từ hơn 2 triệu đến 3 triệu người nhiễm virus), vì Brazil làm rất ít xét nghiệm.
“Bây giờ nếu có làm xét nghiệm rộng rãi ở những nhóm có nguy cơ thì chính quyền cũng không có điều kiện và họ cũng không muốn làm như vậy”- Martin Bernard, một chuyên gia về dịch tễ học nói. Vị chuyên gia này dẫn chứng trường hợp ở Manaus- thủ phủ bang Amazonas, nằm giữa khu rừng già nhiệt đới. Manaus bị virus Corona hoành hành khiến Thị trưởng Arthur Virgilio đẫm lệ mà rằng chính quyền đã bó tay trước một thảm họa vượt sức con người.
Cũng cần nhắc lại rằng, Thị trưởng Manaus là người chủ trương phong tỏa để chống dịch. Tuy nhiên, các địa phương xung quanh không làm như vậy nên “có phong tỏa riêng thành phố này thì cũng như không”- ông Arthur Virgilio nói.