Đây là khẳng định của ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam trước thông tin cho rằng, cơ quan BHXH lạm dụng quyền, đối xử không công bằng giữa bệnh viện công - tư trong kí kết hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT.
Theo ông Thảo, việc tạm dừng hợp đồng KCB BHYT áp dụng cho tất cả cơ sở KCB có sai phạm trong tổ chức KCB BHYT, bao gồm cả cơ sở KCB của nhà nước và cơ sở KCB tư nhân. Cụ thể trong năm 2016 cơ quan BHXH đã tạm dừng hợp đồng KCB BHYT với Cơ sở 2 - Bệnh viện Quân Y 110, Bắc Giang do có tình trạng thu gom và chuyển người bệnh về Bệnh viện Quân Y 110 – Cơ sở 1 tại tỉnh Bắc Ninh không đúng quy định (thời gian tạm dừng từ tháng 10/2016 đến tháng 4/2017).
Đối với cơ sở KCB tư nhân năm 2016: cơ quan BHXH tạm dừng hợp đồng KCB BHYT với 4 cơ sở KCB tư nhân tại Thanh Hóa vì có dấu hiệu thu gom người có thẻ BHYT đến KCB và trục lợi quỹ BHYT (tạm dừng trong khoảng 10 ngày, sau đó lại tiếp tục thực hiện hợp đồng: Bệnh viện Mắt Bình Tâm, Bệnh viện Mắt Bắc Trung Nam, Bệnh viện Tâm An, Phòng khám đa khoa 123).
Năm 2017 cơ quan BHXH cũng tạm dừng hợp đồng KCB BHYT với một số cơ sở KCB tư nhân do phát hiện các hành vi lạm dụng quỹ BHYT như: Bệnh viện Thái Thượng Hoàng – Nghệ An (đã thực hiện xuất toán trên 9 tỷ đồng do lạm dụng các DVKT về răng hàm mặt); Bệnh viện Mắt Việt Nhật - Hà Nội (từ chối thanh toán 184 ca phẫu thuật Phaco do đã được tổ chức từ thiện tài trợ nhưng vẫn thống kê đề nghị cơ quan BHXH thanh toán số tiền là 663.468.575 đồng); Phòng khám đa khoa Tâm Đức-Bình Phước (do Phòng khám có nhiều sai phạm như: chưa đủ điều kiện về nhân lực để được cấp Giấy phép hoạt động là Phòng khám đa khoa; chưa đủ chuyên khoa là cơ sở đăng ký KCB BHYT ban đầu; Bác sĩ đăng ký hành nghề KCB về Y học cổ truyền là “ngoài giờ hành chính, ngày ra trực, thứ 7, CN” nhưng ký toàn bộ hồ sơ KCB đối với người bệnh đến KCB về Y học cổ truyền trong giờ hành chính do các Bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề KCB tại đó chỉ định và thực hiện; mua thuốc của Nhà thuốc tư nhân không có chức năng bán buôn là không đúng quy định tại Điều 21, Luật Dược số 34/2005/QH 11 và các văn bản hướng dẫn thực hiện…).
“Việc tạm dừng với một số cơ sở KCB có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT như nêu trên là hết sức cần thiết và đúng quy định, không phải thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC là thông báo trước 3 tháng để không phát sinh thêm những chi phí sai quy định đang gia tăng hàng tháng, hàng quý tại các cơ sở KCB: ví dụ như tại Phòng khám đa khoa Tâm Đức, chi phí KCB BHYT phát sinh tăng cao: năm 2016 tổng chi phí KCB BHYT phát sinh tại Phòng khám là 12,173 tỷ đồng, nhưng quý I/2017 là 8,280 tỷ đồng (bằng 68% chi phí KCB BHYT cả năm 2016).
Đồng thời, khi thông báo tạm dừng hợp đồng KCB BHYT với cơ sở KCB, cơ quan BHXH đều có thông báo, giải thích, hướng dẫn người có thẻ BHYT đến KCB tại các cơ sở KCB khác trên địa bàn, không ảnh hưởng đến quyền lợi KCB BHYT” - ông Thảo nói.
Cũng theo ông Thảo, trong thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, cơ quan BHXH luôn phối hợp, hợp tác công bằng với các cơ sở KCB BHYT, không có chỉ đạo nào phân biệt cơ sở KCB của Nhà nước hay của tư nhân. Thực tế trong những năm qua đã chứng minh số cơ sở KCB tư nhân ký hợp đồng KCB BHYT ngày một tăng lên: năm 2015 là 365 cơ sở, năm 2016 là 418 cơ sở (tăng 53 cơ sở so với năm 2015), Quý I/2017 là 444 cơ sở (tăng 79 cơ sở KCB so với năm 2015 và tăng 26 cơ sở so với năm 2016), chỉ có một số cơ sở KCB tư nhân tạm dừng hợp đồng một thời gian để hoàn thiện hồ sơ pháp lý, chấn chỉnh những sai phạm…nếu khắc phục được thì ký lại hợp đồng KCB BHYT. Quan điểm của Ngành BHXH là nhiều cơ sở KCB tham gia KCB BHYT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẻ BHYT đi KCB và chất lượng KCB BHYT được nâng cao.