Thời gian qua, để hiện thực hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành liên quan đến hoạt động tư pháp đã có nhiều nỗ lực trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, nhằm tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong hoạt động tư pháp, dẫn đến thiệt thòi cho người dân.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn bàn đến việc tạm giam, tạm giữ đối với các bị can trong quá trình điều tra. Đã gọi là “tạm” có nghĩa là không phải lâu dài, song trên thực tế có người bị tạm giam nhiều năm trời. Có người sau thời gian bị tạm giam khi đưa ra xét xử, thời gian phạt tù đúng bằng thời gian tạm giam, thậm chí có người thời gian phải thụ án còn ít hơn thời gian bị tạm giam.
Ở đây, chưa bàn đến việc có điều tra viên và cơ quan điều tra (CQĐT) lạm dụng tạm giam, tạm giữ đối với bị can, ngay cả trong trường hợp không cần thiết phải thực hiện biện pháp ngăn chặn này. Người viết chỉ đề cập đến quy định còn bất cập của pháp luật hình sự.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết hạn tạm giam, CQĐT phải có văn bản đề nghị Viện kiểm soát (VKS) gia hạn tạm giam.
Đối với tội phạm ít nghiêm trọng chỉ được gia hạn tạm giam một lần không quá 1 tháng. Đối với tội phạm nghiêm trọng chỉ được được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá 2 tháng và lần thứ hai không quá 1 tháng. Đối với tội phạm rất nghiêm trọng được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá 3 tháng, lần thứ hai không quá 2 tháng. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá 4 tháng.
Như vậy là ở tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì thời gian tạm giam bị can cũng chỉ cao nhất là 16 tháng. Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người ra lệnh tạm giam phải trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Quy định là như vậy, nhưng vì sao có bị can vẫn bị “tạm” giam nhiều năm? Bởi lẽ, thời hạn tạm giam chỉ quy định cho quá trình điều tra. Vì thế, khi không được phép gia hạn tạm giam nữa, CQĐT chuyển một kết luận điều tra sang VKS.
Trong trường hợp VKS yêu cầu điều tra bổ sung thì sẽ lại tiếp tục được gia hạn tạm giam. Pháp luật cũng chưa quy định VKS có quyền yêu cầu CQĐT điều tra bổ sung bao nhiêu lần khiến bị can cứ tiếp tục bị gia hạn “tạm” giam.
Rồi sau này, khi VKS ra cáo trạng truy tố bị can, chuyển sang tòa án để xét xử cũng vậy. Nếu Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung thì người phạm tội tiếp tục bị gia hạn tạm giam.
Tệ nhất là việc, nếu TAND cấp sơ thẩm tuyên có tội, cấp phúc thẩm tuyên hủy án điều tra lại từ đầu, thì trình tự “tạm” giam lại bắt đầu thực hiện mới từ đầu. Nên chăng, trong quá trình soạn thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan chuyên môn cần xem xét, tránh tình trạng lạm dụng “tạm” giam.