Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030”, ban hành kèm theo Quyết định 1659/QĐ-TTg ngày 19/11/2019. Đây là một việc rất cần thiết đối với cán bộ, công chức, viên chức (CCVC), đặc biệt khi quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, cũng như làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trở nên mạnh mẽ. Vấn đề là việc học ngoại ngữ của cán bộ, CCVC có thực chất hay không, có sử dụng được hay không, hay cũng chỉ như “một tấm giấy thông hành” rất hình thức.
Học ngoại ngữ với cán bộ, CCVC đòi hỏi phải rất nỗ lực để tránh việc có bằng nhưng không sử dụng được. (Ảnh minh họa).
Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, CCVC giai đoạn 2019 - 2030”, đặt ra mục tiêu nâng cao năng lực ngoại ngữ rất cụ thể: Đến năm 2025, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, CCVC tích cực học tập ngoại ngữ, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ và làm việc trong môi trường quốc tế. Phấn đấu đến hết năm 2025, 50% cán bộ, công chức ở Trung ương (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi); 25% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện ở địa phương (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi) đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định; 60% viên chức và 50% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định; 20% cán bộ, công chức xã và 15% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp xã dưới 40 tuổi công tác tại địa bàn hoặc lĩnh vực có yêu cầu sử dụng ngoại ngữ đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên theo quy định. Đến năm 2030, tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cả về số lượng và chất lượng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo đến hết năm 2030, 60% cán bộ, công chức ở Trung ương (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi); 35% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện ở địa phương (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi) đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định và ngoại ngữ chuyên ngành; 70% viên chức và 60% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định và ngoại ngữ chuyên ngành; 30% cán bộ, công chức xã và 25% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp xã dưới 40 tuổi công tác tại địa bàn hoặc lĩnh vực có yêu cầu sử dụng ngoại ngữ đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên theo quy định và ngoại ngữ chuyên ngành.
Đây là những quy định với mốc thời gian rất cụ thể, đòi hỏi năng lực rất cụ thể. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, CCVC trong việc học ngoại ngữ, không phải chỉ có chứng chỉ, bằng cấp ngoại ngữ là xong.
Nhưng, vấn đề nổi lên chính là việc liệu họ có “thực học” hay lại là tìm cách kiếm cho được chứng chỉ, tấm bằng để hợp thức hóa yêu cầu đặt ra? Và người tiếp nhận, sử dụng họ cũng không cần kiểm tra trình độ thực của những người này?
Ngày 7/11 vừa qua, trả lời ý kiến của một số ĐBQH liên quan đến vấn đề chứng chỉ, bằng cấp (trong đó có ngoại ngữ) Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, “về biện pháp kiểm soát, đối với ngoại ngữ có thể tổ chức thi trên máy tính, bài khảo sát bằng tiếng Anh. Dù điều kiện hồ sơ đòi hỏi phải có bằng cấp nhưng thi phải thực chất. Văn bằng ngoại ngữ phải phù hợp với từng vị trí làm việc, chức danh. Sắp tới, một tỷ lệ nhất định cán bộ công chức làm việc trong môi trường quốc tế phải có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế” - Bộ trưởng Tân nói đồng thời cũng bày tỏ sự “phiền lòng” về chuyện bằng cấp quá rườm rà, không thực chất.
Ai cũng biết, muốn học được một ngoại ngữ, làm chủ được nó, sử dụng được nó trong môi trường quốc tế không hề đơn giản. Việc người ta phải bỏ ra vài năm để chỉ chuyên học một ngoại ngữ cũng chưa chắc đã đạt độ tinh thông. Chính vì cái khó đó mà không ít người đã tìm cách “mua” chứng chỉ ngoại ngữ; nhiều trung tâm, cơ sở đào tạo ngoại ngữ đã “đánh trống ghi tên” chỉ cốt thu được tiền của người học mà không học. Người có chứng chỉ, có bằng ngoại ngữ nhiều, nhưng thực tế không mấy người sử dụng được cho thấy rõ ràng là việc học rất hình thức, rất đối phó.
Tuy nhiên, nói như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khi trả lời ĐBQH thì “chúng tôi sẽ kiến nghị từ cấp vụ trở lên phải đạt được trình độ ngoại ngữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm việc với quốc tế. Anh đi hội thảo quốc tế nhiều, tổ chức các hội nghị, anh nghe nói tiếng Anh mà bắt phải phiên dịch hay sao?… Xin hứa với Quốc hội, vấn đề tin học, ngoại ngữ sẽ không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức sau khi Luật Cán bộ, Công chức ban hành”.
Mới đây nhất, với Thông tư số 20/2019/TT-BGD ký ngày 26/11/2019, Bộ GDĐT đã chính thức bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên- cũng có thể hiểu là việc học, cấp chứng chỉ ở loại hình đào tạo này có vấn đề.
Như vậy, việc cán bộ, CCVC buộc phải “học thật” đối với ngoại ngữ là đã rõ ràng. Tấm bằng ngoại ngữ không thể kiếm được quá dễ dàng như trước nữa, nó không thể chỉ như một “tấm giấy thông hành” để được tiếp nhận, bộ nhiệm, cất nhắc. Hy vọng những quy định rõ ràng về văn bằng chứng chỉ ngoại ngữ sẽ là “đột phá khẩu” chấm dứt việc đòi hỏi quá nhiều bằng cấp nặng về hình thức đã làm yếu cả một đội ngũ cán bộ, CCVC như thời gian qua.