Thời gian qua TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư nhiều nhiều công trình hạ tầng giao thông, bước đầu phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội. Tuy nhiên nhiều người vẫn mệnh danh Tam Kỳ là thành phố của những con đường cụt.
Một lãnh đạo thành phố khẳng định, Tam Kỳ bằng nhiều nguồn lực đã đầu tư khớp nối hạ tầng giao thông, thoát nước; xây dựng kết cấu hạ tầng các khu dân cư, tái định cư; các dự án trường học, cải tạo các tiểu hoa viên, công viên cây xanh; hệ thống điện chiếu sáng; nâng cấp vỉa hè, kiệt hẻm nội thành… tạo môi trường cảnh quan đô thị khang trang, sạch đẹp.
Vậy, vì sao người dân mệnh danh Tam Kỳ là thành phố của những con đường cụt? Bởi nơi đây theo thống kê của thành phố có đến 27 tuyến đường, hệ thống thoát nước cần khớp nối. Cụ thể, khớp nối hạ tầng giao thông chính 4 tuyến, nâng cấp hạ tầng khu dân cư 19 tuyến và khớp nối hệ thống thoát nước 3 tuyến chưa kể các công trình khác.
Đáng nói, những con đường cụt này đã tồn tại rất nhiều năm qua, không chỉ gây mất cảnh quan, cản trở việc phát triển kinh tế, mà nhiều tuyến đường vào mùa mưa lũ là nỗi khổ của người dân. Càng đáng nói, trải qua nhiều đời chủ tịch thành phố, nghĩa là qua nhiều nhiệm kỳ, mặc người dân kêu trời nó vẫn “trơ cùng tuế nguyệt”.
Trong Báo cáo số 23-BC/TU của Thành ủy Tam Kỳ nêu rõ: “Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, đó là: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực nội thành được đầu tư qua nhiều thời kỳ, do đó có nhiều điểm không đồng bộ, chưa được khớp nối; một số tuyến phố chính đô thị chưa được đầu tư hoàn thiện, khớp nối; kết cấu hạ tầng ở một số khu dân cư hiện hữu chưa được đầu tư đồng bộ gây khó khăn cho việc lưu thông, đi lại của nhân dân; ảnh hưởng vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị…”.
Còn người dân phải sinh sống trong những con đường cụt thì chỉ biết kêu trời. Ông Nguyễn Bảo Huy, trú phường An Sơn cho biết, sau khi thi công mở đường Gò Tuân nối với đường Hoàng Hoa Thám thế rồi tuyến đường này đứng bánh và nó trở thành đường cụt. “Đường cụt khiến việc lưu thông gặp nhiều khó khăn, vào mùa nắng thì bụi bay mù mịt, mùa mưa nước đọng thành vũng rất dễ gây tai nạn giao thông. Chúng tôi chỉ còn biết kêu trời chứ kiến nghị hoài cũng vậy”, ông Huy nói.
Tương tự, Ông Nguyễn Thanh Hậu, ở phường Tân Thạnh cho biết: “Nhà tôi và các hộ dân ở đây nằm giữa đường cụt Nguyễn Công Trứ và đường Chương Dương cứ mỗi lần mưa xuống là xảy ra ngập úng, nước tràn vào nhà. Nó cứ tồn tại dù chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị. Sống trong tình cảnh này quả thật hết sức chịu đựng nhưng đành bất lực vì kêu không thấu trời”.
Không chỉ có những tuyến đường trên mà các đường như Tôn Đức Thắng nối Nguyễn Hoàng hay N24, đường Hoàng Hoa Thám, đường Trương Quang Giao - Ông Ích Khiêm cùng nhiều tuyến đường khác là nỗi khổ của người dân nhiều năm qua.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết Online, một lãnh đạo của thành phố Tam Kỳ thừa nhận, thực trạng nhiều tuyến đường cần khớp nối và cho rằng, trong thời gian đến sẽ tập trung nguồn lực khớp nối, nâng cấp hạ tầng giao thông, khắc phục ngập úng khu vực nội thành. Thành phố cũng đã dự toán kinh phí, trong đó 4 tuyến đường hạ tầng giao thông chính với kinh phí khoảng 800 tỷ đồng. Còn khớp nối hạ tầng tại các khu dân cư, tái định cư kết hợp thoát nước với 21 danh mục với tổng mức đầu tư khoảng 682 tỷ đồng chưa nói những công trình khác.
Vị này cho biết: “Đây là những vấn đề đã tồn tại nhiều năm, gây bức xúc cho nhân dân, nhưng để thực hiện các dự án khớp nối, nâng cấp hạ tầng giao thông, thoát nước khu vực giai đoạn 2021-2025 cần 1.712 tỷ đồng nhưng cái khó, nếu cân đối sử dụng ngân sách địa phương và vận động xã hội hóa thì chỉ đáp ứng được chừng 50% tổng nhu cầu”.
Không thể để người dân tiếp tục kêu trời và càng không để thành phố cứ tồn tại mệnh danh Tam Kỳ thành phố của những con đường cụt. Hơn nữa việc nâng cấp là để từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông đô thị, tạo thuận lợi cho việc lưu thông, đi lại của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và Tam Kỳ đang hướng đến thành phố đô thị loại I thì khắc phục những tồn tại nêu trên là việc không thể chậm trễ.