Tấm lòng người thầy ở vùng cao Quảng Trị

Bình Nguyên 15/07/2016 09:35

Giữa tháng 7, nắng chói chang cùng gió Lào hầm hập nhưng sân trường Tiểu học Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) vẫn mát rượi dưới tán cây xanh và màu hoa phượng đỏ. Thầy giáo Nguyễn Mai Trọng dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh sân, khoe những công trình xanh được thầy cô và học trò tự mày mò làm nên. Đó là những bức tường xanh mướt hoa lá, bể hoa súng, vườn treo hoa phong lan…

Tấm lòng người thầy ở vùng cao Quảng Trị

Thầy Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hướng Phùng cùng học sinh trong ngôi nhà sàn truyền thống.

Rải rác trên sân trường là bàn cờ vua cùng hình vẽ các trò chơi dân gian, tạo cảm giác thân thiện, gần gũi. Ở nơi thoáng đãng nhất của sân trường rợp bóng cây, là bản đồ Việt Nam với đầy đủ các quần đảo của Tổ quốc, bức tranh Thánh Gióng và nhà sàn Bác Hồ được ghép bằng đá cuội, tỉ mỉ, công phu. Cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa được đặt ngay ngắn trước lối chính của dãy trường học.

Thầy giáo Nguyễn Mai Trọng nói rằng ngoài tiếp thu kiến thức từ sách vở, học sinh rất cần mô hình giáo dục trực quan sinh động nên thầy đã cùng các giáo viên của trường phác thảo ý tưởng, tạo hình vẽ, dựng mô hình ngay trên sân trường giúp học sinh vui chơi lành mạnh, bổ sung kiến thức.

Để hoàn thành các mô hình, từ giữa năm 2014, vào những ngày nghỉ, thầy cô giáo và học sinh lại cùng nhau ra con suối cách trường 5 cây số để nhặt cuội mang về. Mô hình được cô Lê Thị Niềm, giáo viên nhà trường phác thảo bằng máy tính rồi phóng kích cỡ ra thực tế. Có được mô hình chuẩn, thầy trò lại quên ăn, quên ngủ gắn cuội, trồng cây xanh…

“Nếu mình cứ dạy học trò trên sách vở mà không tạo điều kiện cho các em hình dung về thực tế thì những bài học dù căn bản đến đâu cũng khó đọng lại trong trí nhớ các em. Cách làm của tôi cùng đồng nghiệp cốt để cho các em có cái nhìn thấu đáo, sâu rõ về cội nguồn của mình. Tình yêu tổ quốc phải bắt nguồn từ sự tường tận về lịch sử của mình”, thầy Trọng chia sẻ.

Trong khuôn viên sân trường còn có ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào vùng cao Hướng Hóa. Thầy Trọng kể, hơn 20 năm gắn bó với đồng bào, chứng kiến bao đổi thay, thầy quyết định phục dựng ngôi nhà sàn với gần 40 hiện vật mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào, nhằm lưu giữ cho chúng khỏi sự mai một và cũng là để tri ân tấm lòng bà con đã thương yêu, đùm bọc thầy cô giáo miền xuôi lên đây dạy học

Ngày thầy Trọng cùng đồng nghiệp làm lễ khánh thành nhà sàn, rất đông bà con Bru - Vân Kiều có mặt từ sớm. Nhiều người mang theo hiện vật đến tặng. Già làng Hồ A Rỉa, thôn Xa Ry thì tặng chiếc tẩu thuốc nặn bằng đất sét đã lưu giữ hơn 40 năm; già Côn Lơn cùng bản thì tặng chiếc khèn A Man từ đời cố mình để lại…

Chỉ vào mô hình đảo Gạc Ma với các chiến sĩ đang tạo thành vòng tròn bất tử để bảo vệ Tổ quốc, thầy bảo, với mô hình này mình sẽ đưa vào giờ học ngoại khóa về giá trị tài nguyên nước và bài học lịch sử về trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 cho các thế hệ học trò.

Thầy Trọng nói rằng đang còn nhiều thứ phải làm cho ngôi trường, cho khoảng sân trường mà thầy gắn bó suốt 20 năm qua. Phải tận tình chăm chút thì ngôi trường và sân trường mới là vườn cây trái tươi ngon, mới có những thế hệ học trò giúp ích cho đời. Học trò như mầm cây còn sân trường là nơi để mầm cây lớn lên khỏe mạnh.

Nhắc tới khoảng thời gian 20 năm dạy học rồi làm Hiệu trưởng một ngôi trường vùng cao như bây giờ, thầy thầy Trọng thoáng chút suy tư. Lúc mới ở xuôi lên dạy học, thầy bị sốt rét làm cho kiệt sức đến mức phải chống gậy lên đứng lớp.

Ngày đó đường sá không thuận tiện như bây giờ, mỗi lần ra Khe Sanh họp, xa tới mấy chục cây số; mùa mưa lụt phải bơi qua khe Bản Giai, xã Thuận; mình không sợ lũ cuốn mà chỉ sợ... mất con dấu nhà trường. Điều gì đọng lại sau những tháng năm ấy? Thầy Trọng bộc bạch từ tận đáy lòng: “Đó là các em học sinh, là con chữ sáng lạn giữa đại ngàn Trường Sơn!”

Hỏi thầy Trọng bao giờ về lại dưới xuôi, thầy bảo: “Gắn bó với nơi này rồi. Không về xuôi nữa!” 20 năm qua có rất nhiều cơ hội để thầy giáo Nguyễn Mai Trọng về xuôi nhưng người thấy ấy đã dành trọn tuổi xuân vì các thế hệ học trò vùng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tấm lòng người thầy ở vùng cao Quảng Trị