Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hội nhập sâu rộng với toàn cầu. Để đất nước phát triển bền vững, có một phần không nhỏ sự đóng góp của bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, đó là hơn 4,5 triệu kiều bào ta đang sinh sống, lao động, học tập tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Người Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần quan trọng vào nền kinh tế Việt Nam trong khoảng 15 năm qua. Lượng kiều hối hàng năm chuyển về Việt Nam từ 6 tỷ USD, đến nay ước đạt gần 17 tỷ USD (16,68 tỷ USD - năm 2019), con số đó tương đương với vốn ODA hàng năm. Không những thế, dòng đầu tư chất xám cũng không ngừng nghỉ để tiếp cận với thị trường nội địa đang phát triển, đầy tiềm năng. Nhằm theo kịp sự chuyển biến với tốc độ chóng mặt của thế giới cũng như trong nước, Đảng, Nhà nước ta đã thông qua nhiều quyết định quan trọng đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đáng kể nhất là Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và nhiều điểm mới trong chính sách bảo hộ công dân, thông thoáng về thủ tục xuất nhập cảnh, hồi hương, mua bán nhà và khuyến khích ưu đãi đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Tròn một thập kỷ trước, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Và các hội nghị tiếp theo đã tổng kết, đánh giá một cách trung thực nhất những gì đã đạt được và những gì tồn đọng cần giải quyết nhằm nâng tầm cao mới. Tuy nhiên, bên cạnh những gì đã đạt được, còn không ít những vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ và xử lý nghiêm túc để thực sự đưa các văn bản pháp luật đi vào cuộc sống. Chẳng hạn như trong công tác bảo hộ công dân, người Việt Nam ra nước ngoài du lịch hay công tác khi gặp sự cố (mất hộ chiếu, bị trộm cắp…) tìm đến cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước sở tại để được giúp đỡ vẫn còn gặp vướng mắc về thủ tục. Trong lĩnh vực thu hút đầu tư của kiều bào về trong nước, khi gặp kiện tụng, tranh chấp với các đối tác tại Việt Nam, kiều bào còn mang nặng tâm lý lo lắng phần thua rơi về mình mặc dù họ thực hiện đúng và nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng...
Thời điểm này, cả dân tộc ta, đất nước ta, bà con kiều bào xa xứ và gần 100 triệu người Việt Nam trong nước hơn lúc nào hết cần đến sự đồng lòng, đồng sức, đồng tâm và nhìn lại chính mình xem đã thực sự làm được gì cho Tổ quốc, cho quê hương. Cùng chung tay vì đất nước và cùng với quyết tâm chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn về kinh tế cũng như những thách thức trong bảo vệ biên cương hải đảo, kiên quyết bảo vệ và sẽ bảo vệ được từng mét đất biên cương, từng hải lý trên biển đã từng thấm đẫm máu xương của cha anh để gìn giữ cho đến hôm nay.
Nhìn lại thực tế của nhiều năm qua, những thành công của Việt Nam trên trường quốc tế là đáng tự hào vì trên chính trường đã có nhiều quốc gia biết đến có một Việt Nam thuộc khu vực Đông Nam Á đang trỗi dậy trong phát triển kinh tế và kết nối bang giao với hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong mười năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt trên dưới 7%, xoá đói, giảm nghèo thành công theo chuẩn quy định của thế giới với các nước đang phát triển, bùng phát làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam, các doanh nghiệp tư nhân tăng lên với mức độ chóng mặt. Thế nhưng, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong phát triển kinh tế như kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định; nợ công, nợ nước ngoài tăng; dự trữ ngoại hối đang còn mỏng, áp lực đối với tỉ giá còn lớn; thị trường tài chính, thị trường bất động sản giảm sút, tiềm ẩn nhiều rủi ro; sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng giá cả đầu vào, lãi suất cao, hàng tồn kho lớn. Ẩn sâu hơn nữa đó là mô hình phát triển kinh tế với hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng.
Đất nước ta đang bước vào những ngày đầu thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21, với những bài học được đúc kết và trải nghiệm bằng thực tế của những năm qua, tiếp tục đặt ra những đòi hỏi trong tình hình mới như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối. Đó là những vấn để căn cốt cần được giải quyết để mọi người mang dòng máu Việt Nam, trong đó có cả hàng triều kiều bào khắp nới trên thế giới đều hướng về quê hương, bằng cách này hay cách khác, tùy hoàn cảnh của mình góp phần phát huy sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, để con thuyền Việt Nam vững vàng ra biển lớn.