Dù có không ít cơ hội được nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài nhưng GS.TS Phùng Văn Đồng lại chọn cho mình con đường phát triển nghiên cứu khoa học tại Việt Nam với mong muốn xây dựng các tập thể nghiên cứu mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực nước nhà.
Vượt qua khó khăn sẽ “đổi dòng”
Trở thành người trẻ nhất được công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư của năm nay ở tuổi 41 là niềm vui và vinh dự lớn của GS.TS Phùng Văn Đồng, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Vật lý năng lượng cao và vũ trụ học, Trường Đại học Phenikaa. Chặng đường đạt được niềm vui và vinh dự lớn này, GS Đồng đã trải qua không ít những khó khăn và khi vượt qua được, nói như GS Đồng là sẽ “đổi dòng”.
Mẹ là nông dân, bố là thợ điện dân dụng, Phùng Văn Đồng chịu ảnh hưởng từ mẹ về tính siêng năng, kiên trì trong lao động và từ bố về tính thực tiễn trong tiếp cận vấn đề. Tuy vậy, ngày bé anh mải chơi, không quan tâm nhiều tới việc học. Chỉ đến năm học lớp 9, khi gặp được những người thầy rất tốt, anh mới phát hiện ra những kiến thức thú vị trong môn Toán học và Vật lý, và lúc này anh mới thực sự ham học hỏi, tìm tòi, và sáng tạo ở lĩnh vực khoa học.
Công cụ toán học thể hiện mạnh và định lượng trong mỗi chủ đề của Vật lý đã kích thích anh chọn theo học chuyên ngành Vật lý lý thuyết, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Đây là cái nôi phát triển tình yêu của anh với Vật lý cũng như tạo ra nhiều cơ hội cho anh được tiếp cận và nghiên cứu chuyên sâu về Vật lý lý thuyết.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Phùng Văn Đồng không chọn cho mình con đường ra nước ngoài để học cao học mà quyết định ở lại học tập trong nước và tiếp tục làm tiến sĩ, vì khi đó anh được các thầy giỏi dẫn dắt. Dù thực hiện nghiên cứu sinh hoàn toàn trong nước, nhưng chỉ trong năm đầu tiên, anh Đồng đã hoàn thành luận án tiến sĩ với 5 công trình về đề xuất và phát triển mô hình 3-3-1 tiết kiệm, đăng ở các tạp chí uy tín bậc nhất chuyên ngành và được đặc cách bảo vệ luận án cấp cơ sở thành công vào tháng 10/2007. Nhận bằng tiến sĩ về Vật lý lý thuyết và vật lý toán tại Viện Vật lý (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vào năm 2009, khi đó, anh Đồng có đến 14 công trình khoa học.
Thời điểm đó, Phùng Văn Đồng là một trong số ít tiến sĩ trong nước nhận được học bổng Nishina sau tiến sĩ, thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu Gia tốc Năng lượng cao Nhật Bản, rồi tiếp tục đạt học bổng cho nghiên cứu sau tiến sĩ của Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu đặt tại Thụy Sỹ và Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan (Đài Loan là nơi anh từng làm thực tập sinh tiến sĩ năm 2006).
Sau mỗi lần sang nước bạn, anh lại có cơ hội lĩnh hội cũng như mở ra một hướng hợp tác nghiên cứu mới. Kết quả anh thu được là những công trình nghiên cứu thực hiện ở nơi anh từng đến. Tương lai trên nước bạn rộng mở nhưng sau khi hoàn thành các khóa thực tập sau tiến sĩ, anh quyết định chọn con đường làm việc và nghiên cứu trong nước.
GS Phùng Văn Đồng lý giải, dù ở nước ngoài, anh nhận được nhiều về kiến thức chuyên môn nhưng đánh đổi lại là cuộc sống xa gia đình, xa bạn bè và nhóm nghiên cứu trong nước. Nhóm nghiên cứu này gồm đội ngũ giáo sư giỏi và giàu kinh nghiệm ở Việt Nam. Đó là may mắn mà anh có được. Hơn nữa, với nghiên cứu vật lý lý thuyết, yếu tố quan trọng nhất là con người chứ không phụ thuộc quá nhiều vào trang thiết bị thực nghiệm, do đó có thể làm việc ở bất kỳ đâu. Bởi học liệu, những kết quả thực nghiệm, công trình nghiên cứu mới hằng ngày được cập nhật phổ biến toàn cầu để cộng đồng nghiên cứu.
Gia tài của GS trẻ nhất Việt Nam
Trở thành GS trẻ nhất Việt Nam năm 2021, GS Phùng Văn Đồng hiện có 54 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế. Anh được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016 dành cho nhà khoa học trẻ với công trình nghiên cứu góp phần vào việc giải thích cấu tạo vật chất và năng lượng của vũ trụ mang tên “Mô hình 3-3-1-1 cho vật chất tối”. Đây là công trình đánh dấu bước đầu anh đi vào lĩnh vực mới là vật chất tối. Công trình đã nhận được khoảng 80 trích dẫn, gợi mở cách tiếp cận các vấn đề của vũ trụ sớm dựa trên nguyên lý đối xứng chuẩn.
Một trong những công trình đặc biệt nữa của GS Phùng Văn Đồng là “Nguyên lý đảo cho khối lượng neutrino và vật chất tối”. GS Đồng đã khám phá ra một tích tối động lực chi phối các giả thuyết của vật lý hạt và sự diễn tiến của vũ trụ sớm, cũng như cấu trúc vật chất ở thang lớn của vũ trụ ngày nay. Công trình này đã được đăng ở tạp chí chuyên ngành Physical Review D Rapid Communication rất uy tín của Hội Vật lý Mỹ (American Physical Society).
Nhằm giải quyết các tồn tại của vật lý năng lượng cao và vũ trụ học, GS Đồng đã đề xuất xây dựng một nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Phenikaa. Có được sự đầu tư từ phía nhà trường, nhóm nghiên cứu của GS Đồng hội tụ nhiều nhà nghiên cứu chủ chốt và trẻ, có kiến thức chuyên sâu tốt. Với tiềm lực đó, nhóm của GS Đồng mạnh dạn đề xuất kết hợp với các nhóm nghiên cứu khác trong trường (gồm 6 nhóm nghiên cứu mạnh về vật lý và nhiều nhóm nghiên cứu tiềm năng) mở Chương trình đào tạo cử nhân Vật lý tài năng, theo ba hướng trọng điểm là vật lý năng lượng cao, thiên văn và vũ trụ học, và vật lý thực nghiệm, nhằm đào tạo ra những cử nhân vật lý giỏi cho chuyển tiếp làm tiến sĩ. Họ sẽ nguồn nhân lực tinh hoa, đóng góp vào sự phát triển nghiên cứu và đào tạo của đất nước sau này.
Bên cạnh đó, hằng năm, nhóm của GS Đồng công bố trên dưới 10 công trình về các vấn đề được đề xuất. Kết quả của nhóm nghiên cứu đã đóng góp ý nghĩa đưa Trường Đại học Phenikaa lên đỉnh bảng Nature Index của Việt Nam và Việt Nam lọt vào top 50 quốc gia trên bảng Nature Index.
Giấc mơ phát triển nghiên cứu khoa học tại Việt Nam
Thời gian qua, báo chí nhắc nhiều tới tính liêm chính khoa học, tính minh bạch của các bài báo quốc tế. Bệnh thành tích ảo trong nghiên cứu đang khiến nhiều người trong giới trăn trở. Trước câu hỏi lựa chọn giữa số lượng các công trình, bài báo công bố quốc tế hay chất lượng, tầm ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu, GS Phùng Văn Đồng cho rằng, các bài báo quốc tế chỉ thể hiện quá trình nghiên cứu, nhằm tiệm cận đến chân lý mà nhà khoa học cần đạt tới. Do đó, qua công trình này hay công trình sau nữa, chất lượng nghiên cứu phải dần dần được nâng cấp để đi đến kết quả cuối cùng lột tả quy luật của tự nhiên. Đó là những công trình chất lượng, mang ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển khoa học.
Nói như vậy có nghĩa là, trong hành trình nghiên cứu khoa học, số lượng các công trình hay số lượng bài báo quốc tế không quan trọng bằng việc tìm tòi ra những kết quả mới, mang tính đột phá mà chưa ai có cách nào tìm ra.
Nói tới đây, GS Đồng kể lại niềm vui khi nghiên cứu thành công công trình được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Để có được công trình ấy, nhóm GS Đồng phải đầu tư rất nhiều công sức và trí lực, trải qua một số nghiên cứu trước đó. Thế nhưng, tìm ra những kết quả mới cũng là yếu tố thôi thúc các nhà khoa học không ngừng sáng tạo và phát minh. Trên chặng đường này, GS Đồng đề cao chữ “tâm sáng” của người làm khoa học. Với anh, trong nghiên cứu, nếu không có tính trung thực và liêm chính, thì nhà khoa học rất khó đi xa với nghiệp nghiên cứu, cũng như tiệm cận được với những kết quả mang tính cách mạng, đóng góp vào tri thức của nhân loại.
“Mặc dù số lượng công trình công bố là cần thiết để gia tăng chất lượng của nghiên cứu, nhưng nếu không thu được những kết quả mang tính đột phá thì dù có tới 100 công trình cũng không có ý nghĩa. Nhóm chúng tôi luôn phát triển bám theo tiêu chí đó”, GS Đồng chia sẻ, đồng thời cho biết, giấc mơ lớn nhất hiện nay là làm sao phát triển nghiên cứu khoa học tại Việt Nam với mong muốn xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh mẽ, có tính nội lực cao, và là niềm tự hào của các trường đại học, cho đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực nước nhà.