Tận dụng cơ hội xuất khẩu tôm

DUY KHANG 06/08/2023 07:25

Bức tranh của ngành tôm 6 tháng đầu năm có phần ảm đạm. Để tận dụng được cơ hội trong những tháng cuối năm, khi thị trường quốc tế gia tăng nhu cầu, giới chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp (DN) cần nắm bắt chắc chắn thông tin về thị trường để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch hành động.

Xuất khẩu tôm được dự báo sẽ khởi sắc vào dịp cuối năm.

Con tôm Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường lớn gồm: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) cho biết: Hàng năm ngành tôm đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ 2 thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta trong năm 2022 lập kỷ lục khi đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021. Có thể thấy, sản lượng và giá trị xuất khẩu của con tôm gia tăng theo từng năm.

Thế nhưng, bức tranh thị trường tôm 6 tháng đầu năm 2023 không mấy khả quan, khi mà kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ đạt 1,5 tỷ USD, giảm tới 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm sang 5 thị trường chính (Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc - Hồng Kông và Hàn Quốc) đồng loạt giảm 2 con số, trong đó giảm mạnh nhất thị trường EU với 48,9%, Mỹ giảm 38,1%, Hàn Quốc 28%, Nhật Bản giảm 29% và Trung Quốc giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Nêu nguyên nhân của sự sụt giảm này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng là những yếu tố khiến sức mua giảm. Theo đó, người tiêu dùng ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới phải "thắt lưng buộc bụng", thay vì ăn đồ ngon, họ phải lựa chọn những thực phẩm giá rẻ hơn để cân đối chi tiêu. Điều này dẫn đến nhu cầu của thế giới giảm, trong khi nguồn cung thế giới tăng, đặc biệt là Ecuador và Ấn Độ, nên hoạt động xuất khẩu tôm của nước ta bị ảnh hưởng.

Dù vậy theo nhận định của giới chuyên gia, từ tháng 8 trở đi, nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào một số thị trường sẽ có những khởi sắc. Đơn cử, tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu của người tiêu dùng sẽ tăng lên vào dịp Trung thu. Còn tại thị trường Mỹ, nhu cầu nhập khẩu tôm cũng sẽ tăng do nền kinh tế Mỹ tránh được suy giảm và từ giữa tháng 8 có thể tăng mạnh phục vụ cho nhu cầu lễ hội cuối năm. Cùng với đó, các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc cũng sẽ ghi nhận sự gia tăng rõ nét.

Để tận dụng được cơ hội trong những tháng cuối năm khi thị trường quốc tế gia tăng nhu cầu, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, các DN cần nắm bắt chắc chắn thông tin về thị trường để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch hành động. Theo đó, cần nhận diện những thuận lợi trước mắt, các khó khăn cần vượt qua để tận dụng cơ hội phía trước. Và tất nhiên, để DN có thể nắm bắt được các thông tin thị trường, vai trò không nhỏ của nhà quản lý trong việc dự báo các thông tin nhu cầu của thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường giàu tiềm năng để cung cấp đến các DN.

Phân tích về thị trường Hoa Kỳ - một trong những thị trường lớn của tôm Việt Nam, ông Phạm Quang Huy - Tham tán nông nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, sản lượng tôm ở Mỹ sản xuất chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu tiêu dùng, 90% còn lại phải nhập khẩu. Bởi vậy, đây là thị trường còn rất nhiều dư địa để các DN ngành tôm của chúng ta có thể khai thác. Tuy nhiên, các DN khi xuất khẩu sang thị trường này cần tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu ươm giống, sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm; liên kết với các đối tác quốc tế để nâng cao chất lượng tôm giống...

Thị trường Bắc Âu cũng là thị trường giàu tiềm năng và nhiều cơ hội cho tôm Việt. Song, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Bắc Âu, xu hướng của người tiêu dùng ở đây là tăng tiêu thụ thủy sản, đặc biệt là thủy sản hữu cơ. Do đó, các DN cần hướng mạnh đến phân khúc này. “Song, muốn kinh doanh tại các siêu thị Bắc Âu, các DN cần lưu ý có các chứng nhận về tính bền vững từ trang trại cho đến nhà cung cấp” - bà Thủy nhấn mạnh. Bên cạnh đó, ở thị trường Bắc Âu, thị trường các sản phẩm tiện lợi và đồ ăn sẵn đang tăng rất mạnh. Các DN sẽ tăng mua sản phẩm tôm và đây sẽ là cơ hội cho các nước xuất khẩu nếu có thể cung cấp cho nhà chế biến các sản phẩm được tiêu chuẩn hóa, dễ dàng gia công, chế biến hoặc cung cấp các giá trị có giá trị gia tăng cao hơn cho thị trường.

Nói về câu chuyện xuất khẩu tôm, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội VASEP cho hay, hiện một số nước đối thủ cạnh tranh tôm của Việt Nam sẽ phải tiêu thụ hết lượng tôm nuôi lớn, trong khi đó, chúng ta có cơ hội trong những tháng cuối năm khi có sản lượng để thu hoạch. Với những dấu hiệu tốt của thị trường, vấn đề là làm sao chúng ta có thể “cầm cự” trong một thời gian nữa để chờ đợi sự phục hồi của thị trường và đi vào mùa lễ hội để cung cấp tôm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tận dụng cơ hội xuất khẩu tôm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO