Hơn 35.000 doanh nghiệp (DN) buộc phải ngừng hoạt động trong 7 tháng là một con số không hề nhỏ. Đại dịch Covid-19 khiến cho hầu hết các DN lao đao.
Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát, ngành dệt may dù đã rất nỗ lực chuyển hướng sang một số sản phẩm phòng, chống dịch (như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ) nhằm “cứu thua” cho ngành khi xuất khẩu gặp khó, song trên thực tế từ tháng 7/2020 đến nay, đơn hàng mới rất khan hiếm.
Theo chia sẻ của giám đốc một công ty may mặc quần áo thời trang, nhiều năm làm trong ngành dệt may, chưa bao giờ công ty vấp phải khó khăn như hiện tại. Mặc dù công ty đã nỗ lực tìm đủ nguồn nguyên liệu đầu vào nhưng thị trường tiêu thụ sản phẩm lại lao đao.
“Trong vòng 4 tháng trở lại đây, tình trạng hủy đơn hàng, dừng hợp đồng diễn ra như “cơm bữa”. Vì thế doanh thu giảm mạnh, lợi nhuận hầu như không có song vẫn phải duy trì sản xuất để giữ chân người lao động”, vị giám đốc nói đồng thời cho biết thêm, nếu như mọi năm, khoảng tháng 7 và tháng 8, nhiều DN dệt may đã ký kết được hợp đồng để sản xuất hàng xuân (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau), nhưng hiện nay, do dịch Covid-19 nên phần lớn DN chưa ký được đơn hàng nào.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các DN ngành da giày - một trong những ngành đứng “top” đầu về xuất khẩu, cũng rơi vào tình trạng “đói” hợp đồng, thường xuyên bị đối tác hủy hợp đồng.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, tình hình dịch bệnh đang dần được khống chế ở trong nước, bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi từ ngày 1/8/2020 sẽ tạo những động lực mới để các DN có thể phục hồi sản xuất, kinh doanh, từng bước vượt qua bão dịch.
“Không phủ nhận những tiêu cực mà dịch bệnh Covid-19 đã gây ra đối với nền kinh tế, tác động xấu đến hoạt động của cộng đồng DN, tuy nhiên, khó khăn là khó khăn chung, và trong bối cảnh đó, các DN cần tìm ra những hướng đi mới chính từ những khó khăn này”- TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nói.
Theo ông Thành, dịch bệnh khiến cho tiêu dùng trực tuyến phát triển mạnh. 63% người tiêu dùng khẳng định sẽ tiếp tục sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của mình kể cả khi dịch bệnh đã chấm dứt.
“Đây chính là yếu tố quan trọng để các DN Việt nắm bắt và đưa ra những chiến lược hoạt động của mình thời kỳ hậu dịch Covid-19”, ông Thành nói, đồng thời nêu quan điểm: Tới đây, các DN cần có những bước đi hay giải pháp chắc chắn hơn, như kết nối cùng chấp nhận cạnh tranh, sáng tạo và chuyển động cùng cách mạng công nghệ 4.0.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, một lợi thế rất lớn khác cần phải “chớp” lấy chính là các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định EVFTA vừa được thực thi. Theo nguyên tắc của Hiệp định thì ngay ngày đầu tiên sau khi có hiệu lực, 72-75% các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu qua châu Âu sẽ được miễn, giảm thuế nhập khẩu.
Chính bởi vậy, theo ông Thân, phía cộng đồng DN cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh để tiếp cận những cơ hội từ Hiệp định này. Bên cạnh đó, nhà quản lý cũng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho cả DN trong nước hoạt động cũng như DN nước ngoài tham gia đầu tư, xuất khẩu vào trong nước.