Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thanh toán điện tử dùng công nghệ chip hay không suy cho cùng cũng là để người dân tham gia vào lĩnh vực ngân hàng.
Phát biểu tại Diễn đàn phát triển Hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019 với chủ đề ‘Chuyển động cùng công nghệ chip’ do Ngân hàng Nhà nước, Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 10/12 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt không còn đơn thuần như trước đây là nhằm tăng sự luân chuyển đồng vốn trong toàn xã hội, không để đồng tiền bị chết, không chỉ là vấn đề minh bạch chống rửa tiền tham nhũng mà nếu làm tốt thì sẽ thúc đẩy nền kinh tế Internet đi lên.
Tận dụng cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Phó Thủ tướng cho biết Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Chính phủ cũng ban hành nhiều Nghị quyết, Chiến lược, Chỉ thị, Quyết định..., song để Việt Nam không bị bỏ lỡ cơ hội thì phải có những hành động cụ thể.
“Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ làm tăng sự luân chuyển đồng bộ trong toàn xã hội, huy động vốn của dân, không để tiền chết, không chỉ minh bạch chống rửa tiền, chống tham nhũng, nếu làm tốt sẽ thúc đẩy kinh tế tri thức, công nghệ. Đông Nam Á là khu vực năng động, nền kinh tế Internet quy mô 100 tỷ USD, 5 năm tới dự kiến tăng gấp 3 lần,” Phó thủ tướng nhấn mạnh.
"Việt Nam đang ở đâu?", Phó Thủ tướng đặt câu hỏi và cho rằng nếu chúng ta mạnh dạn tiến thẳng lên một bước chuyển đổi công nghệ thẻ chip thì sẽ không bị lỡ nhịp bởi "giờ phút này chúng ta đã bị chậm". Làm việc này không chỉ là cơ quan nhà nước mà cần có sự cộng đồng trách nhiệm của doanh nghiệp với đất nước, bởi sự thay đổi này sẽ kéo theo thay đổi hạ tầng, gây tốn kém cho doanh nghiệp.
Cũng theo Phó Thủ tướng, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý xã hội và bộ máy nhà nước hoạt động minh bạch, hiệu quả nhưng điều quan trọng hơn là huy động người dân tham gia vào quản lý xã hội nhiều hơn. Thanh toán điện tử dùng công nghệ chip hay không suy cho cùng cũng là để người dân tham gia vào lĩnh vực ngân hàng.
“Người Việt Nam có câu ‘đồng tiền đi liền với ruột’, do vậy, vấn đề an toàn, an ninh trong thanh toán với dân là điều thiết thực nhất. Vì thế, để đẩy mạnh thanh toán điện tử, tận dụng thời cơ kinh tế số, chúng ta cần gắn với an toàn, an ninh và phải làm sao cho mọi người dân thấy lợi ích tham gia,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo các ngành như thuế, bảo hiểm, viễn thông, điện phải áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt…; trong đó hai lĩnh vực là giáo dục và y tế phải triển khai trước năm 2020.
"Để làm việc này cần sự đồng lòng kêu gọi không chỉ cơ quan nhà nước mà chúng ta cần bàn sâu sát với doanh nghiệp, đây cũng là phần trách nhiệm của doanh nghiệp với đất nước, với xã hội. Chúng ta phải thay đổi cả hạ tầng, sẽ là sự tốn kém nhưng nếu cần thiết cho đất nước phát triển thì sự tốn kém ấy về lâu dài bù đắp lại kinh tế xứng đáng,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cũng cho rằng thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng-tài chính.
"Ngân hàng Nhà nước Việt Nam định hướng xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số…," Phó Thống đốc khẳng định.
Hiện thực hóa mục tiêu thẻ chip
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/9, giá trị thanh toán qua POS tăng 36,5% so với cùng kỳ; số lượng thẻ đạt 96,4 triệu chiếc; hơn 19.000 cây ATM… Đây là những cơ sở để thúc đẩy thanh toán điện tử mobile banking, internet banking. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang thẻ chip cũng đang là nội dung mới, còn nhiều khó khăn thách thức đặt ra.
Bởi theo ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienvietPostBank), nguyên nhân chủ yếu hiện nay là do chi phí ngân hàng lớn. "Đầu tư công nghệ cũ cần có một thời hạn khấu hao, trong khi đó, khi áp dụng thẻ chip, hệ thống về công nghệ phải thay đổi, hệ thống đầu cuối, cây ATM, hệ thống POS phải thay đổi. Ngoài ra, thay đổi thẻ chip lại cho khách hàng cũng cần thời gian," ông Thắng cho hay.
Đồng quan điểm, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank, cũng nhấn mạnh khi chuyển sang thẻ chip, ngân hàng phải thay đổi một loạt máy móc, chi phí phát hành thẻ chip cũng cao hơn thẻ từ rất nhiều. Tuy nhiên, các ngân hàng đều nhận thấy rằng cần thiết phải chuyển đổi và quyết tâm chuyển thẻ từ sang thẻ chip, biến thách thức thành cơ hội. "Làm sao để thẻ chip có thể tích hợp, đồng bộ thanh toán được nhiều chi phí như giáo dục, y tế, bảo hiểm chứ không chỉ đơn thuần từ giữ tài khoản ATM," ông Lân nói.
Nhìn nhận tích cực hơn, ông Nguyễn Quang Hưng, Tổng Giám đốc Napas lại cho rằng phía ngân hàng đã có chuyển động mạnh mẽ. Bằng chứng là, nếu như đầu năm chỉ có 7 ngân hàng chuyển sang phát hành thẻ chip thì đến nay, hơn 20 ngân hàng đã sẵn sàng công nghệ chuyển đổi thẻ chip.
"Dự kiến, đến hết quý 1/2020, không chỉ dừng lại 20 ngân hàng và 6 tổ chức cung cấp thẻ chip mà sẽ lên tới 26 ngân hàng 10 công ty cung cấp thẻ chip. Những điều này, chứng tỏ, ngân hàng vào cuộc rất tích cực,” ông Hưng đánh giá.
Điều đó cho thấy việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip đang được các ngân hàng "chạy đua" thực hiện và mục tiêu chuyển đổi 100% đến cuối năm 2021 hoàn toàn là khả thi.
Ngay trong khuôn khổ Diễn đàn này đã diễn ra lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Y tế; giữa Petrolimex và NAPAS; giữa Bệnh viện K, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Vietcombank, VietinBank và NAPAS.