Từng ăn cơm chùa, vất vả bươn chải nên nỗi đau chấn thương không thể khiến Lê Văn Công nản chí để giành thành tích cao về cho Tổ quốc.
Nhìn người đàn ông ngăm đen, hay cười, di chuyển trên chiếc xe lăn đang miệt mài tập luyện ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP HCM, ít ai nghĩ đây là vận động viên đã nhiều lần phá kỷ lục thế giới, nhiều lần đạt huy chương trong tình trạng chấn thương. Dù vai vẫn còn đau dai dẳng, Lê Văn Công vẫn chăm chỉ tập luyện và lạc quan đón chờ đợt thi đấu tại Hàn Quốc và khuôn khổ ASEAN Para Games tại Malaysia.
Năm ngoái, tại Paralypic Tokyo 2020, tham gia môn cử tạ hạng cân 49 kg dành cho nam, Công giành Huy chương Bạc trong tình trạng vết thương vai chưa hoàn toàn bình phục. Trước giải đấu, anh đã điều trị suốt 2 năm.
"Thời gian tập luyện trước thềm Paralympic Tokyo với tôi có rất nhiều vất vả. Chấn thương chưa hoàn toàn bình phục nên chủ yếu tập nhẹ và ít nhiều chịu ảnh hưởng của vấn đề tuổi tác", Công nhớ lại. Tại đại hội, anh phải xịt giảm đau trước khi bước vào cuộc so tài với 8 đối thủ khác.
Vượt qua nỗi đau để thi đấu và giành huy chương không phải là điều xa lạ đối với vận động viên 38 tuổi này. Trong sự nghiệp thi đấu, Công từng giành Huy chương Vàng châu Á 2007 và 2015, Huy chương Bạc giải Vô địch thế giới 2014, Huy chương Vàng Asian Para Games 2014, Huy chương Vàng ASEAN Para Games 2015 và Huy chương Vàng Paralympic Rio năm 2016. Anh cũng là người lập các kỷ lục Paralympic với các mức 175 kg, 181 kg, 183 kg và kỷ lục thế giới với mức 183,5 kg.
Huấn luyện viên trưởng Lê Quang Thái, đội tuyển cử tạ người khuyết tật Việt Nam từng chia sẻ: "Tôi đồng hành với anh Công từ 2015. Công nghị lực, nhiệt huyết trong thể thao. Sự nỗ lực của Công lan tỏa không chỉ riêng mình tôi mà tất cả những vận động viên trẻ trong khu vực".
Giàu thành tích thể thao, Công cũng là một tấm gương vượt qua nghịch cảnh vươn lên trong cuộc sống. Là con thứ hai trong một gia đình nghèo có 5 anh em ở Hà Tĩnh, Công bị chứng teo chân từ nhỏ do mẹ anh mắc bệnh sốt xuất huyết khi mang bầu. Chỉ có thể bò bằng tay, Công được anh trai và các em thay nhau đưa đến trường. Năm 2005, anh rời gia đình, vào TP HCM học kỹ thuật điện tử với mong muốn lập nghiệp, chiến thắng số phận.
Công vẫn còn nhớ, lúc vào Nam, hai mẹ con chỉ có một triệu đồng. Rồi mẹ trở về quê, Công một mình sống tại thành phố xa lạ. Anh được nhà trường miễn học phí, tạo điều kiện để ở trọ ký túc xá miễn phí. Suốt ba năm đầu mới vào TP HCM, Công sống bằng cơm chay từ thiện của nhà chùa.
Ngoài thời gian đi học, Công tranh thủ đi làm thêm như đánh vecni cho một xưởng gỗ. Được giới thiệu tham gia CLB hướng nghiệp dành cho người khuyết tật, anh bén duyên với cử tạ, mục đích ban đầu là tập để duy trì sức khỏe. Thời gian một ngày được Công sắp xếp để có xoay vòng giữa việc học, làm thêm và tập luyện.
Chính nghị lực vươn lên trong cuộc sống cũng như sự hiền lành đã giúp anh tìm thấy người bạn đời. Trong một lần đến nhà bạn chơi, Công gặp Chu Thị Tám - cô bạn của em gái bạn mình, kém anh 5 tuổi. Dù ban đầu bị gia đình ngăn cản vì sợ chị khổ khi yêu người khuyết tật, Tám vẫn quyết tâm đến với Công vì tin tưởng vào tiếng nói của con tim.
"Tôi luôn tin tưởng anh Công là một người kiên cường, nghị lực trong cuộc sống, luôn kiên quyết theo đuổi những việc mình làm, và đã làm là phải làm tới", chị Tám nhận xét về chồng. Trong mắt chị, anh Công là một người chồng lý tưởng, luôn cố gắng để người thân không phải lo lắng.
Giai đoạn cậu con trai đầu lòng (sinh năm 2010) mới một tuổi, anh bị chấn thương nặng, không thể lăn xe đi lại được. Hai vợ chồng không nói cho gia đình ở quê biết, tự chăm nhau. Anh ở nhà trông con, chị đi làm may, lương vài triệu đồng mỗi tháng mà tiền thuê trọ đã là 1,2 triệu đồng nhưng vẫn luôn động viên nhau vượt qua. Rồi anh giấu vợ đi tập lại.
Sau này, anh chấn thương nhiều lần vẫn quyết tâm đi tập nhưng không giấu vợ nữa. "Khi biết chồng bệnh mà vẫn cố đi tập, tôi thấy thương, nhiều lúc cũng khuyên anh nghỉ hẳn tập, nhưng anh vẫn cố chứng minh với vợ con mình đang ổn, không sao", chị Tám kể.
Luôn tâm niệm phải lo cho vợ con có cuộc sống ổn định, bên cạnh tập thể thao, Công xoay xở làm nhiều nghề, từ sửa chữa điện tử đến môi giới bất động sản và gần đây cùng bạn bè đầu tư trồng nông sản sạch tại Củ Chi.
Trong những ngày Covid-19 hoành hành, ngay ở những đợt thu hoạch đầu tiên, Công đã gửi 2.000 trái bắp "Nữ hoàng đỏ" tặng các vận động viên thể thao người khuyết tật đang tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Đà Nẵng. Anh cũng tặng bắp cho các em nhỏ mồ côi tại TP HCM nhằm chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong lúc dịch bệnh. Trước đó, vào tháng 11/2019, anh đấu giá tấm Huy chương Vàng giành được năm 2016 trên mạng xã hội để lấy tiền (125 triệu đồng) ủng hộ cô bé hàng xóm chữa bệnh ung thư.
Là khách mời đặc biệt và đồng hành trong các số phát sóng của chương trình, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, câu chuyện của Lê Văn Công cũng giống như tinh thần "không có gì là không thể' mà doanh nghiệp theo đuổi. "Việc nỗ lực từng ngày, không bị những rào cản cản trở giúp chúng ta đạt được những điều mà kể cả bản thân mình cũng không tin mình có thể làm được. Mỗi lần chúng ta làm được những việc đó thì tạo nên không chỉ sức mạnh cho mình mà cho cả những người xung quanh", bà Uyên chia sẻ.
"Trong chuyến đi Hàn Quốc thi đấu lần này của anh Lê Văn Công và đội tuyển cử tạ, chúng tôi rất vui khi được tham gia hỗ trợ và chúc anh Công cùng toàn đội luôn giữ vững phong độ tiếp tục đem về nhiều niềm tự hào cho Việt Nam", bà Trần Uyên Phương cho biết thêm.