Các cây lim cổ thụ có đường kính từ 2-3 người ôm bị lâm tặc cưa xẻ lấy gỗ chỉ còn trơ lại gốc. Nhiều phách gỗ lim, các nhánh cây, vỏ gỗ cây lim lâm tặc vứt bỏ lại trong rừng nằm ngổn ngang. Những cây lim trơ gốc ứa nhựa, nhánh thân, cây, gỗ đã xẻ nằm ngổn ngang trong rừng sâu.
Trong khi vụ phá rừng ở Sông Kôn huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đang nóng thì lại tiếp đến vụ tàn phá hàng loạt cây gỗ lim hàng trăm tuổi quý hiếm ở thôn Cần Đôn, xã Chà Val, huyện Nam Giang cho thấy tình hình tàn phá rừng ở Quảng Nam ngày càng nóng lên.
Một cây gỗ lim bị lâm tặc chặt hạ trơ gốc.
Tàn phá rừng lim hàng trăm tuổi
Nhận được tin báo của người dân, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường rừng lim ở thôn Cần Đôn, xã Chà Val, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Nếu như vụ phá rừng ở khu vực Sông Kôn của huyện Đông Giang khiến ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phải thốt lên “mỗi lần nhìn cảnh rừng bị tàn phá, tôi có cảm giác như máu mình đổ xuống” thì vụ phá rừng ở đây còn kinh hoàng hơn.
Sau gần 2 giờ đồng hồ ngồi ghe máy chạy trên sông Bung chúng tôi mới đến được khe Đại Hồng. Từ đây, nhóm phóng viên tiếp tục đi bộ leo núi gần gần 2 tiếng đồng hồ để đến được địa điểm xảy ra vụ phá rừng lim tại Tiểu khu 335, thôn Cần Đôn, xã Chà Val.
Quang cảnh nơi đây thật kinh khủng, rừng đã bị tàn phá không thương tiếc. Các cây lim cổ thụ có đường kính từ 2-3 người ôm bị lâm tặc cưa xẻ lấy gỗ chỉ còn trơ lại gốc. Nhiều phách gỗ lim, các nhánh cây, vỏ gỗ cây lim lâm tặc vứt bỏ lại trong rừng nằm ngổn ngang. Nơi đây chẳng khác gì một đại công trường khai thác gỗ.
Tiếp đến, tiến sâu vào bên trong khu rừng này, chúng tôi càng kinh sợ với mức độ tàn phá rừng. Tiếp tục hàng loạt cây gỗ lim bị lâm tặc cưa xẻ lấy gỗ. Những cây lim trơ gốc ứa nhựa và các loại cây khác bị tàn phá để lấy gỗ lim, nhánh thân, cây, gỗ đã xẻ nằm ngỗn ngang trong rừng sâu.
Một gốc cây gỗ lim có đường kính 2-3 người ôm mới hết.
Một người dân địa phương đề nghị giấu tên cho biết: “Những gốc gỗ lim bị lâm tặc tàn phá này có tuổi đời khoảng vài trăm năm tuổi và tình trạng tàn phá rừng diễn ra trong thời gian rất lâu, tuy nhiên, cơ quan chức năng mới phát hiện. Điều vô lý nhất, bọn lâm tặc dùng máy cưa xăng, khi triệt hạ gỗ tiếng cưa nổ xé trời cách hàng cây số vẫn nghe. Chưa hết, việc phá rừng như thế này là có tổ chức đông người, rồi vận chuyển gỗ rầm rộ, tại sao kiểm lâm không biết?”.
Một cán bộ kiểm lâm cho biết, lim là loại cây quý hiếm, thuộc nhóm 2A trong danh sách được bảo vệ nghiêm ngặt. Gỗ lim có giá trị kinh tế cao.
Mỗi cây lim cổ đã bị triệt hạ ít nhất cũng được hơn 10 m3 gỗ, nếu được bán với giá như hiện nay (khoảng 20-30 triệu đồng/m3) thì tính ra, mỗi cây lim có giá ít nhất 200 triệu đồng nên việc lâm tặc nhắm vào rừng lim là điều dễ hiểu. Và chuyện giữ rừng lim đúng là một cuộc chiến không dễ dàng.
Các phách gỗ lim nằm ngổn ngang trong rừng.
Khởi tố vụ án, khởi tố 6 bị can
Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam xác nhận, khu vực rừng lim bị phá xảy ra tại khoảnh 1, 3, Tiểu khu 335, thôn Cần Đôn, xã Chà Val, huyện Nam Giang, thuộc lâm phận quản lý của Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Bung.
Thống kê, có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ (33 cây Lim Xanh và 1 cây Xoan Đào). Ước tính tổng khối lượng gỗ thiệt hại khoảng 235 m3; khối lượng gỗ còn tại hiện trường khoảng 125 m3 gỗ tròn và gần 4 m3 gỗ xẻ.
UBND huyện Nam Giang cũng cho biết, ngày 29/3/2018, Chủ tịch UBND huyện đã nhận báo cáo số 27/BC-HKL ngày 27/3/2018 của Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung về vụ khai thác rừng trái phép tại địa điểm nói trên.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về việc rừng lim quý bị tàn phá, bà Phạm Thị Như, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, khu rừng lim xanh ở địa phương này bị chặt hạ đều có chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung và các tổ nhóm bảo vệ rừng, vì vậy phải quy trách nhiệm cho rõ.
Còn ông Trần Lanh, Hạt trưởng kiểm lâm kiêm giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Bung nói rằng, đã chỉ đạo nghiêm túc, phân công công việc, trách nhiệm với kiểm lâm địa bàn rất rõ ràng.
Nhiều phách gỗ lim lâm tặc ngụy trang bỏ lại trong rừng sâu.
Trước Tết Nguyên đán, lực lượng kiểm lâm tổ chức đi kiểm tra truy quét nhưng không lường trước được tình hình. Qua Tết, tổ chức truy quét với quy mô lớn đồng loạt thì phát hiện vụ việc, ông Lanh cho biết.
Sáng 1/4, Trung tá Hà Thế Xuyên, Phó trưởng Công an huyện Nam Giang, cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 6 bị can là những người trực tiếp khai thác gỗ tại Khe Bưa về hành vi “Khai thác lâm sản trái phép”.
Các phách gỗ lim lâm tặc chưa kịp vận chuyển.
Theo Trung tá Xuyên, 6 bị can gồm: Tăng Đức Xưng (63 tuổi), Nguyễn Văn Triều (40 tuổi), Văn Bá Điệp (35 tuổi), Phan Văn Tài (34 tuổi), cùng trú xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam và Lương Văn Luận (28 tuổi), Lê Minh Thành (33 tuổi), cả hai trú xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc.
Trước đó, trong bài viết “Nóng chuyện phá rừng, vận chuyển gỗ lậu” (số ra ngày 21/3), Đại Đoàn Kết đã phản ánh, trong chuyên án 717R 5/3, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Giang trong Chuyên án 717R đã triệt phá thành công một vụ khai thác lâm sản trái phép, tại Khe Bưa giáp ranh giữa 3 xã: Zuôi, Tà Pơ (huyện Nam Giang) và xã Lăng (huyện Tây Giang), qua đó đã lực lượng chức năng bắt 7 người tham gia đường dây phá rừng.
Vụ việc trên cùng với vụ tàn phá rừng Sông Kôn tại huyện Đông Giang vừa phát hiện mà Đại Đoàn Kết đã có nhiều bài liên tục phản ánh mấy ngày qua, thì hiện nay lại phát hiện vụ tàn phá rừng lim hàng trăm năm tuổi huyện Nam Giang. Điều đó đã cho thấy mức độ tàn phá rừng ở Quảng Nam chưa có dấu hiệu dừng lại mà càng ngày càng nóng.