Nhà văn Trần Hoài Dương không chỉ là tác giả “Miền xanh thẳm” và những tác phẩm đặc sắc khác, bằng uy tín nghề nghiệp của mình, anh còn được mời chủ biên nhiều bộ sách về văn, thơ cho thiếu nhi rất có tầm.
Nhà văn Trần Hoài Dương sinh năm 1943, tuổi mùi. Tôi sinh năm 1955, cũng tuổi mùi, nhưng kém anh một giáp. Chênh nhau một giáp không phải là quá nhiều, song tôi vẫn cảm thấy anh xa vời vợi đối với tôi. Nhà văn Trần Hoài Dương không chỉ là tác giả “Miền xanh thẳm” và những tác phẩm đặc sắc khác, bằng uy tín nghề nghiệp của mình, anh còn được mời chủ biên nhiều bộ sách về văn, thơ cho thiếu nhi rất có tầm. Còn tôi, mãi đến khi đã sang tuổi “tứ thập” mới chuyển về NXB Kim Đồng, làm sách cho các em. Mà cũng chỉ là làm biên tập, thậm chí là biên tập sách kiến thức, đòi hỏi tri thức khoa học nhiều hơn là thiên hướng văn chương...
Nhưng dù sao, chậm còn hơn không. Niềm yêu thích sách đã dẫn tôi đến với việc biên dịch, biên soạn sách về đủ mọi lĩnh vực. Sau khi đã thử sức với các loại sách về thiên nhiên và môi trường, lịch sử và tri thức bách khoa, đến năm 2009 tôi và một số người nữa bắt tay làm bộ sách “Nhà văn của em”. Sau nhiều cố gắng, cuối cùng nhóm biên soạn cũng hoàn thành được năm cuốn đầu tiên về năm tác giả: Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Hoài Thanh và Nguyễn Huy Tưởng. Bộ sách sau khi ra đời đã được sự quan tâm, đánh giá rất tốt. Kết quả là năm sau, 2010, bộ “Nhà văn của em” của nhóm tác giả chúng tôi đã vinh dự được nhận giải Vàng sách Hay của ngành Xuất bản.
Tại lễ trao giải thưởng năm ấy, được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, tôi đã có dịp gặp nhà văn Trần Hoài Dương. Anh ở TP.HCM ra nhận giải thưởng của mình, cũng giải Vàng sách Hay, dành cho bộ “Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam dành cho thiếu nhi” gồm 5 tập, do anh biên soạn.
Tôi xin phép dừng lại một chút để nói về bộ sách này.
Năm 2009, khi sách ra, tôi đã tìm mua cả bộ vì ở tập 4, có tuyển truyện “Tìm mẹ” của cha tôi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Cùng với đó là hai trang giới thiệu về tác phẩm, tác giả rất thấu đáo. Về việc này, tôi chỉ có thể cám ơn người tuyển chọn đã có cặp mắt xanh thật đáng quý.
Điều tôi muốn nói ở đây là về hai tác giả khác cùng được đưa vào tập 4 ấy. Đó là nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và người bạn đời của ông, nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh.
Chúng ta biết rằng, Nguyễn Xuân Sanh là nhà thơ nổi tiếng từ thời tiền chiến, thành viên của nhóm Xuân Thu nhã tập có vị trí rất riêng biệt trên văn đàn. Nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh vợ ông cũng thuộc lứa “đàn chị” trong số ít các cây bút văn xuôi thời kì đầu. Nhưng còn về sáng tác cho thiếu nhi? Họ được tuyển chọn ở đây như thế nào? Thói quen nghề nghiệp vẫn hay khiến tôi đặt câu hỏi tương tự mỗi khi đọc về các tác giả mình quan tâm. Và đây là sự tuyển lựa của Trần Hoài Dương.
Với nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, đó là một đoạn trích từ tác phẩm “Rạng đông Côn Đảo”, một truyện kể cho thiếu nhi của ông; còn với nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, đó là đoạn văn mang tựa đề “Chú bé đi dưới đáy nước”, trích từ tiểu thuyết “San hô đỏ”. Phải nói đó là những lựa chọn vô cùng xác đáng! Các trang viết của cả hai ông bà đều thấm đẫm chất thơ và giàu các chi tiết, hình ảnh sống động, rất phù hợp với tâm lí tiếp nhận của trẻ em.
Thiện cảm với bộ sách đã khiến tôi có cảm giác gần gũi, thân quen ngay với Trần Hoài Dương khi gặp anh tại lễ trao giải thưởng sách. Hai anh em trò chuyện với nhau tự nhiên như đã biết nhau tự bao giờ. Trái với thói quen của tôi vốn không hay vồ vập ai, nhất là người nổi tiếng vì sợ mang tiếng “Thấy người sang bắt quàng làm họ”, tôi, có thể nói, đã quấn quít với anh suốt buổi sáng hôm ấy, ở trong hội trường cũng như lúc kéo nhau ra ngoài sảnh thư giãn. Đến lúc trao giải mà cái đinh là giải Vàng sách Hay, nhóm chúng tôi để bạn Nguyễn Thị Nhã Nam lên đại diện. Bạn là con gái nhà văn Nguyên Hồng, người trực tiếp biên soạn cuốn về cha mình trong bộ sách “Nhà văn của em”.
Những kỉ niệm khó quên với tác giả “Miền xanh thẳm” tại lễ trao giải thưởng sách hôm ấy, xin thú thực, chưa đủ để tôi dám tự coi mình là bạn bè của anh. Tuy nhiên, kể từ đó tôi có ý thức tìm hiểu về Trần Hoài Dương hơn. Tôi đọc thật kĩ cuốn tự truyện của anh với những cảm nhận riêng. Tôi biết nhiều người vẫn có chung nhận xét về Trần Hoài Dương rằng anh là người cực đoan. Đọc “Miền xanh thẳm”, tôi nghĩ anh quyết liệt thì đúng hơn.
Ngay từ bé, Thiện – tên nhân vật của tự truyện – đã thật quyết liệt trong việc tự lo liệu cuộc sống của mình để đỡ gánh nặng cho gia đình. Quyết liệt khi nhận việc làm thêm, bất kể công việc khổ ải, nhọc nhằn thế nào để góp phần vào số tiền ít ỏi của mấy anh em, bè bạn ở chung, cốt qua được lúc túng đói mà cùng nhau lo học. Quyết liệt trong việc vác tấm ván to dài gấp mấy người mình, theo giàn giáo bập bềnh leo lên tầng ba của một tòa nhà đang xây dựng, để gánh đỡ cho các anh lớn trong nhóm bốc vác của mình; lần ấy cậu thoát chết chỉ nhờ may mắn...
Nhưng cũng thật cảm động là cái cách Thiện quyết liệt trong việc theo đuổi niềm say mê của mình. Để thỏa nỗi khát sách, cậu có thể đi bộ hàng cây số lên hiệu sách huyện, giả vờ hỏi xem quyển này, quyển kia để tranh thủ đọc lướt các trang bên trong. Say mê cuốn “Thép đã tôi”, cuốn sách gối đầu giường của thanh thiếu niên khi ấy, Thiện đã bỏ ra hơn một tuần lễ chép ngày chép đêm cả cuốn sách dày; chỉ có cách ấy cậu mới có thể “sở hữu” một bản cho mình và các bạn cùng đọc, chứ cậu làm gì có tiền mua. Nhưng vượt quá sức hình dung tưởng tượng của tôi là khi Thiện, vì yêu thích cuốn “Thời thơ ấu” của Maxim Gorki, đã tìm cách xin vào đọc ở Thư viện quốc gia để chép nguyên cả cuốn sách ấy. Mất đến mấy tuần. Mà cũng phải thôi. Vì đó là bản tiếng Pháp – bấy giờ cuốn tự truyện ấy của Gorki còn chưa được dịch ra tiếng Việt. Với bản chép tay ấy, cậu sẽ nhờ cha mình dịch ra cho, mỗi hôm một ít, để được thỏa mãn với những câu chuyện về “thời thơ ấu” của cậu bé Aliosa mà hẳn Thiện thấy mình có phần nào trong đó...
Tôi đã thực sự ấn tượng với đoạn văn này trong “Miền xanh thẳm” của Trần Hoài Dương. Và tự lí giải cho mình vì sao mà anh trở thành một nhà văn như mình được biết. Nhưng rồi ở tôi bắt đầu có sự băn khoăn. Tiếng Pháp là một thứ tiếng đặc biệt rắc rối về chính tả. Ngoài những chữ cái Latinh thông thường, trong tiếng Pháp còn có những chữ rất “khác người”, như chữ o, chữ i có hai dấu chấm bên trên (ö, ï), chữ c có dấu móc bên dưới như cái đuôi (ç); giữa nhiều chữ khi thì có dấu gạch nối, khi thì là một dấu móc bên trên... Mà Trần Hoài Dương thì không biết tiếng Pháp. Làm sao một người không biết tiếng có thể chép lại cả một cuốn sách dày hàng trăm trang như thế! Mà giá thử có đủ kiên nhẫn viết theo từng chữ một thì chắc chắn cũng nhầm lẫn lung tung. Cha anh dù thương con đến mấy chắc cũng khó có cách nào luận ra mà dịch cho con được...
Thế rồi nhà văn đột ngột qua đời, ngày 6/5/2011. Anh mất đi, bên cạnh sự tiếc thương, ở tôi còn có nỗi tiếc nuối đã không có dịp kết thân với anh, để có thể hỏi anh điều băn khoăn của mình.
Một cơ may đã đến với tôi khi kết thân với chị Ngà, chị gái của nhà văn Trần Hoài Dương. Chị và tôi biết nhau ở lễ kỉ niệm 60 năm thành lập NXB Kim Đồng, chị đến với tư cách gia đình của tác giả “Miền xanh thẳm”.
Giờ chị Ngà đã có tuổi, nhưng ở chị vẫn toát ra một nét gì thật trẻ trung, trong sáng mà tôi nghĩ cũng là nét chung của cả mấy chị em. Một lần, tôi lưu ý chị về mảng chân dung văn học mà tôi đồ rằng anh Dương có ý định viết một cách nghiêm túc, nhân vừa đọc được của anh bài về nhà thơ Quang Dũng. Chị nghe với vẻ đăm chiêu khiến tôi đâm băn khoăn liệu chị có biết về bài ấy không. Nhưng rồi mấy hôm sau, chị đến tìm tôi, cho tôi mấy tờ báo có bài về Trần Hoài Dương, cùng một phong bì lớn. Chị từ từ lấy ra đưa tôi một tập bản thảo, đó chính là bản phô tô bài “Lang thang cùng tác giả Mây đầu ô” của Trần Hoài Dương về Quang Dũng mà tôi đã hỏi chị. Bài viết ở nguyên dạng viết tay của chính tác giả, điều đặc biệt quý giá với một người yêu sách (và ít nhiều chơi sách) như tôi. Sao mà chị tinh tế đến thế, tôi tự nhủ quên cả cám ơn chị.
Nhưng liệu có lời cảm ơn nào là thỏa đáng trong trường hợp này! Vì tập bản thảo ấy còn cho tôi ngộ ra nhiều điều khác nữa. Đó là những trang viết rất ngay ngắn, có thể nói là nắn nót nữa, những chỗ chỉnh sửa, thêm bớt đều rành rẽ đâu ra đấy. Đặc biệt, chữ viết của nhà văn Trần Hoài Dương không chỉ đẹp mà còn rất rõ chữ; từ dấu mũ trên chữ ô, dấu móc trên chữ ư chữ ơ, nét ngang trên chữ t chữ đ, cho đến các dấu thanh đánh trên các nguyên âm, tất thảy đều rõ ràng và đúng vị trí. Một người biết trọng, biết yêu chữ nghĩa làm sao, tôi tự nhủ.
Và liền đó, một ý nghĩ lóe lên. Người viết ra những con chữ như thế, làm sao lại không thể chép đúng những trang văn tiếng Pháp kia chứ! Nhất là khi anh đặt vào đấy tất cả niềm say mê, yêu thích của mình...