Như Đại Đoàn Kết đã phản ánh, thời gian qua lâm tặc, vàng tặc đã ngang nhiên tàn phá môi trường danh lam thắng cảnh quốc gia hồ Phú Ninh. Sau khi báo đăng, chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin và thật đáng lo ngại những cánh rừng thông Caribe hàng chục năm tuổi cũng bị lâm tặc tấn công.
Cần làm rõ đối tượng tàn phá rừng thông để trồng keo .
Tan tác rừng thông
Để tìm hiểu vấn đề chúng tôi lặn lội vào các cánh rừng thông Caribe nằm trong địa phận rừng phòng hộ Phú Ninh thuộc tầm kiểm soát của Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh tại Tiểu khu 592 thuộc xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, Quảng Nam. Những cây thông trồng và chăm sóc hàng chục năm mới đến thời kỳ khai thác lấy nhựa, cũng là những lá chắn gió bão, giữ môi trường sinh thái cho khu vực danh thắng quốc gia, giờ đã bị lâm tặc hóa kiếp thân tàn trơ gốc.
Tại đây, phóng viên chứng kiến hàng chục gốc thông Caribe có đường kính từ 40 đến 50cm bị lâm tặc triệt hạ. Nhiều cây chỉ còn trơ lại gốc nằm nhô lên trên mặt đất, có cây vừa bị đốn hạ, cành lá vứt ngổn ngang.
Điều đáng nói, không chỉ lâm tặc tấn công các cánh rừng thông Caribe, mà Công ty TNHH MTV Tiến Thiên Tân, có trụ sở tại xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, Quảng Nam là đơn vị trúng thầu khai thác mủ thông với số lượng hơn 6.500 cây tại 28 lô thuộc khoảnh 5, Tiểu khu 592 cũng đã sai phạm trong quá trình khai thác, bảo vệ rừng.
Cụ thể Công ty này đã khai thác vượt mức hàng ngàn cây thông kể cả những cây thông chưa đến độ tuổi khai thác vẫn bị cạo vạch lấy mủ, nguy cơ chết là rất cao.
Trước sự việc này, ông Trần Tiến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tiến Thiên Tân thừa nhận rằng, có việc khai thác mủ thông vượt quy định khoảng 2.000 cây dưới đường kính theo quy định là 25cm. Nhưng việc khai thác này là do nhân công của đơn vị làm sai, một phần theo thiết kế lúc đấu thầu không rõ ràng, chỉ giao rừng trên giấy chứ không ai đi đếm từng cây, không đo đạc trước.
“Cả rừng núi bao la, chúng tôi cũng không quản được hết nhân công. Sau khi lực lượng chức năng phát hiện lập biên bản, tôi đã cho công nhân lập tức tháo bỏ hết tất cả các máng hứng nhựa thông từ các cây khai thác sai quy định. Nhưng thật tình, sai ở đây cũng có một phần trách nhiệm của lực lượng chức năng từ thiết kế ban đầu lúc đấu thầu chưa quy định rõ ràng…” - ông Tiến nói
Cần mạnh tay hơn với lâm tặc
Trước sự việc trên, ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết: “Về rừng thông Caribe ở Tiểu khu 592 bị chặt phá và khai thác mủ vượt quy định, Chi cục đã giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và Hạt kiểm lâm huyện Núi Thành là hai đơn vị quản lý khu vực này tiến hành kiểm tra ngay sự việc và thông tin với báo chí.
Ngành kiểm lâm cương quyết như vậy, sao “máu” rừng vẫn chảy, có hay không việc kiểm lâm địa bàn bảo kê cho lâm tặc? Ông Tuấn khẳng định: “Không có chuyện bảo kê cho lâm tặc. Nhưng phải thấy cái khó ở đây, lâm tặc rất manh động, chúng ẩn náu trong rừng khai thác cất giấu gỗ ở sâu trong rừng, sau đó vận chuyển từng khúc ra ngoài. Khi lực lượng phát hiện thì chúng vứt xe bỏ chạy để lại tang vật nên khó xử lý. Ngoài ra, bọn chúng đi từng nhóm nhiều người, còn lực lượng kiểm lâm địa bàn chỉ có 2 người tuần tra, nếu phát hiện cũng phải tìm cách đối phó với lâm tặc mới bắt tại trận được. Thậm chí có lúc lâm tặc còn tấn công kiểm lâm để tẩu tán gỗ. Hiện Chi cục đang tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam ban hành văn bản quy định về việc bảo vệ rừng được chặt chẽ hơn” .
Qua đó cho thấy, ngành kiểm lâm có chức năng quản lý, bảo vệ rừng, nhưng càng ngày lâm tặc càng manh động. Lực lượng kiểm lâm quá mỏng, trang thiết bị còn thiếu thốn, diện tích rừng quá lớn. Do đó để giữ được rừng thì cần mạnh tay hơn với lâm tặc.