Làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội nhiều năm, ông Đào Bá Cường tận mắt chứng kiến những mảnh đời bất hạnh từ nhiều miền quê về đây tá túc để tiện ngày ngày sang chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai. Cũng từ đó, ông Cường đau đáu nỗi niềm làm sao để có thể chia sớt với họ nhiều hơn nữa, để vợi đi những khó khăn mà họ đang phải gánh chịu.
Ông Đào Bá Cường (ngoài cùng bên phải) trong một lần xuống thăm cư dân xóm chạy thận phường Đồng Tâm.
Trong hệ thống Mặt trận hiện có quỹ Vì người nghèo. Tại phường Đồng Tâm, quỹ này ngày một phát triển và hỗ trợ rất hiệu quả cho các hộ nghèo không chỉ tại địa bàn phường mà còn ở nhiều nơi khác.
Theo ông Cường, ban đầu, MTTQ phường muốn dùng quỹ này chi hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn chạy thận nói trên nhưng “ không dám làm” vì quỹ còn phải phục vụ cho những đối tượng hộ nghèo ở trên địa bàn.
Cho đến vài năm gần đây, được các cấp ủy, chính quyền quan tâm và tạo cơ chế, MTTQ phường Đồng Tâm mới thực hiện được ước nguyện nói trên.
Nhờ vậy, quỹ Vì người nghèo ở đây đã đến được với bà con trong xóm chạy thận. Chủ tịch MTTQ phường Đồng Tâm cũng vận động thêm nhiều nhà hảo tâm “mở hầu bao” làm từ thiện.
Khởi đầu là trường hợp một chị cũng là bệnh nhân chạy thận di cư sang Cộng hòa Séc về nước đã hỗ trợ cho họ 50 triệu đồng. Tiếp theo có rất nhiều cá nhân, tập thể khác hỗ trợ. Nhờ vậy, trước Tết Mậu Tuất, MTTQ phường phối hợp với các cấp, các ngành hỗ trợ cho 115 hộ chạy thận mỗi hộ một suất quà trị giá gần 1 triệu đồng, trong đó có đủ các hương vị Tết như bánh chưng, mứt kẹo…
Theo ông Cường, những người chạy thận hiện đang phải trải qua những năm tháng hết sức vất vả. Phần lớn họ đến đây không phải một mình mà mang theo cả gia đình, thuê nhà rồi làm đủ các việc từ xe ôm, quét dọn vệ sinh, buôn bán vỉa hè… để kiếm sống. Phần lớn các bệnh nhân chạy thận này không tự làm được gì mà phải sống dựa vào người khác, trong khi hàng tháng, họ vẫn phải tiêu tốn hàng triệu đồng cho chữa bệnh và sinh hoạt. Ông Cường tình nguyện làm cầu nối, chỗ dựa rất vững chắc cho bà con.
Là một người lính trở về sau chiến tranh, một đảng viên với hơn 50 tuổi đảng, ở vào tuổi đời 70, nay ông vẫn còn hăng hái lắm. Ông bảo: “Mình chả dư dật gì nhưng so với bà con xóm chạy thận còn khá hơn rất nhiều. Cố gắng làm được gì cho họ thì làm”.
Về với xóm chạy thận hiện có hơn một trăm con người, cũng chừng ấy thân phận gắn chặt cuộc đời mình với chiếc máy lọc thận của Bệnh viện Bạch Mai hoặc là thân nhân của họ gắn chặt với những người bệnh này mà làm đủ nghề mưu sinh.
“Các anh chị đeo bám ở đây đến bao giờ?”. Nghe tôi hỏi, họ cười rất xót xa: “Không thể nói trước được anh ạ”. Trong mắt họ, ánh lên sự vô vọng, bởi, như ông Mai Anh Tuấn, người được họ bầu ra làm xóm trưởng đại diện cho mình, “Chúng tôi hầu hết bị suy thận độ 4, giai đoạn cuối rồi”.
Ông Tuấn cho hay: “Nếu không có sự giúp đỡ, hỗ trợ của bác Cường ở đây cũng như các nhà hảo tâm khác thì chúng tôi chết từ lâu rồi”.
Chia tay xóm chạy thận, bước chân chúng tôi bập bồng trên ngõ phố, Thỉnh thoảng ngoái lại nhìn những cư dân xóm chạy thận, trong lòng dâng lên nỗi niềm thương cảm vô cùng.
Cùng là một kiếp người mà kẻ may, người rủi. “Được sống khỏe mạnh như tôi và anh thế này đến giờ đã là hạnh phúc lắm rồi, anh nhỉ?” - quay sang tôi, ông Cường tâm sự. Và rồi ông lại nhắc đến câu nói như một lời thỉnh cầu: “Làm sao để những nhà hảo tâm biết được những mảnh đời này, để họ mang tấm lòng của mình đến với xóm này nhiều hơn…”.