Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 28/7 đưa ra bình luận rằng Brexit - Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - là “cơ hội kinh tế khổng lồ” đối với nước Anh, nhưng dưới thời người tiền nhiệm Theresa May nó lại bị coi như “một sự kiện có hại đang treo lơ lửng”.
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson (Nguồn: Reuters).
Cơ hội kinh tế mới
Trong bài phát biểu tại thành phố Manchester, nơi mà ông cam kết mang tới các khoản đầu tư mới ở khu vực ủng hộ chiến dịch Leave (rời khỏi EU), Thủ tướng Johnson hứa hẹn sẽ tăng cường các vòng đàm phán để đạt được các thỏa thuận thương mại thời kỳ hậu Brexit và mở cửa các cảng biển để tăng cường nền kinh tế Anh.
“Khi người dân bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi EU, họ không chỉ bỏ phiếu chống lại Brussels, mà còn chống lại cả chính quyền London” - ông Johnson nói.
Tân Thủ tướng Anh cam kết mang tới khoản đầu tư trị giá 4 tỷ Euro (4,5 tỷ USD) để hỗ trợ khoảng 100 thành thị đang khó khăn, để họ có thể thực hiện các dự án cải thiện giao thông, khả năng kết nối băng thông rộng cần thiết.
“Việc giành lại tầm kiểm soát không chỉ có nghĩa rằng Wesminster giành lại chủ quyền từ EU, nó còn có nghĩa rằng các thành phố và thị trấn của chúng ta ngày càng trở nên tự chủ hơn” - ông Johnson tuyên bố - “rời khỏi EU là một cơ hội kinh tế khổng lồ để thực hiện nhiều điều mà chúng ta không được phép làm trong suốt nhiều thập kỷ qua”.
Trả lời báo giới về triển vọng các vòng đàm phán Brexit, ông Johnson nói rằng ông sẵn sàng làm việc với các đối tác EU nhưng chỉ khi điều khoản “chốt chặn” được loại khỏi thỏa thuận “ly hôn” hiện tại - thỏa thuận mà cựu Thủ tướng Theresa May đã đạt được với EU hồi năm ngoái. Điều khoản “chốt chặn” đảm bảo đường biên giới tự do thời kỳ hậu Brexit giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.
“Hướng tiếp cận của Chính phủ Anh hiện nay là không tách xa hay chờ đợi họ đến với chúng ta, mà chúng ta chủ động giải quyết vấn đề này” - ông Johnson nói - “Chúng ta không thể thực hiện được điều đó nếu còn điều khoản chốt chặn, bởi điều khoản đó tìm cách chia rẽ đất nước chúng ta. Chúng ta cần phải loại bỏ nó, sau đó mới có thể đạt bước tiến”.
Không tổ chức tổng tuyển cử
Tân Thủ tướng Anh trước đó đã đập tan sự ngờ vực cho rằng ông có thể kêu gọi một cuộc bầu cử sớm. Vị cựu Thị trưởng thành phố London, người mới nhậm chức Thủ tướng trong hôm thứ Tư tuần trước, cũng hứa hẹn rằng nước Anh sẽ rời khỏi EU vào đúng thời hạn chót là ngày 31/10 năm nay - dù có hay không có thỏa thuận.
Tuy nhiên, ông Johnson trong những ngày đầu tại văn phòng Thủ tướng đã đặt trọng tâm vào các vấn đề trong nước, trong đó cam kết sẽ đảo ngược quyết định cắt giảm lực lượng cảnh sát mà chính quyền May từng đưa ra.
Nhiều nhà quan sát còn cho rằng ông Johnson có thể chuẩn bị kêu gọi tổng tuyển cử sớm, với hy vọng sẽ giành lại được thế đa số của đảng Bảo thủ trong Quốc hội mà trước kia bà May đã để mất sau cuộc bầu cử năm 2017.
Tuy nhiên, ông Johnson đã “hoàn toàn” loại bỏ khả năng tổ chức tổng tuyển cử sớm trước khi Anh rời khỏi EU. “Người dân Anh đã tổ chức bầu cử trong các năm 2015, 2016 và 2017” - ông Johnson nói - “Điều mà họ muốn chúng ta thực hiện là rời khỏi EU vào ngày 31/10. Họ không muốn thêm một cuộc bầu cử khác, họ không muốn một cuộc trưng cầu dân ý, không muốn tổng tuyển cử”.
Tuy nhiên, người Anh vẫn có khả năng phải tham gia một cuộc bầu cử nếu như các nghị sỹ hạ bệ Chính phủ mới của ông Johnson bằng các lá phiếu không tín nhiệm và ngăn chặn khả năng viễn cảnh Brexit không thỏa thuận.
Người dân Anh đã tham gia cuộc trưng cầu lịch sử năm 2016 với kết quả là 52% ủng hộ việc nước này rời khỏi EU. Trong bài phát biểu hôm cuối tuần qua, Thủ tướng Johnson nêu rõ về dự định “tái cân bằng quyền lực, đà tăng trưởng và năng suất trên toàn Liên hiệp Vương quốc Anh (UK)”.