Trở về thăm mái trường cũ nhân dịp ngày khai trường và kỉ niệm 30 năm xã Ngổ Luông, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đón nhận danh hiệu Anh hùng ngành Giáo dục. Kỷ niệm những ngày đứng trên bục giảng như thước phim quay chậm trở về trong tâm trí bà Bùi Thị Thanh. Từ một giáo viên cắm bản, với sự cố gắng không mệt mỏi, cô giáo Bùi Thị Thanh ngày nào nay đã giữ một trọng trách lớn tại Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh
tặng quà cho học sinh nghèo hiếu học xã Ngổ Luông
Thăm lại ngôi trường mà mình đã từng gắn bó nhiều năm, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh kể lại những câu chuyện xúc động của thầy và trò năm nào. Mấy chục năm trước, mặc dù khó khăn về kinh tế nhưng các bà, các mẹ người Mường đã tạo mọi điều kiện cho con cái học tập. Mỗi ngày khi lên nương rẫy, các mẹ lại đưa con đến trường và không quên gói gém cho con những đụm cơm nắm muối vừng để con lót dạ mỗi khi đói lòng. Để đáp lại tình cảm chân thành của bà con nơi đây, những thầy cô giáo cắm bản tận tụy gieo từng con chữ, vận động bà con theo học.
Bà Thanh chia sẻ: Hồi đó, nếu có học sinh nào bận việc không đến lớp, các thầy cô giáo lại bảo nhau đến từng nhà để dạy chữ, rèn người. Đường đi vào bản lúc đó đâu được thuận lợi như bây giờ. Đường đi là những con đường mòn vắt vẻo quanh sườn núi, đi qua các thung sâu, qua những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp mới tới bản của người Mường. Nhưng những khó khăn đó không thể cản bước chân của những thầy cô giáo tự nguyện cắm bản ở vùng cao này để gieo con chữ, để khai sáng cho dân bản.
Chia sẻ với chúng tôi về những thành tích, những truyền thống của ngành giáo dục Ngổ Luông, ông Bùi Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Ngổ Luông cho biết: Cách đây tròn 30 năm, xã Ngổ Luông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động ngành Giáo dục. Đó là một kỳ tích. Sự ảnh hưởng của nó vượt qua phạm vi các xã trong huyện, trong tỉnh về mô hình giáo dục. Mặc dù với điều kiện kinh tế khó khăn nhưng việc xây dựng thành công mô hình xã hội học tập, giáo dục cho mọi người ở Ngổ Luông ở thập kỷ 70, 80 của thế kỷ 20 đã cho địa phương một bài học quý báu “Không phải kinh tế kém phát triển thì giáo dục cũng không có điều kiện phát triển”. Bài học kinh nghiệm về xã hội học tập đã từng bước đưa Ngổ Luông thoát khỏi nghèo nàn, vững bước trên con đường phát triển. Với phương châm học được cái chữ để xóa đói giảm nghèo, học để ra cơm ra áo, ra tiền cùng với những chủ trương, biện pháp đúng đắn, phong trào bổ túc văn hóa phát triển nhanh chóng. Từ cán bộ đến người dân hăng hái đi học, từ người già đến trẻ nhỏ coi việc đi học là quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi người. Được quan tâm đúng mức, chất lượng dạy và học hàng năm được tăng lên. Năm 1972, Ngổ Luông đã trở thành xã đầu tiên của huyện, huyện đầu tiên của tỉnh Hà Sơn Bình trước đây hoàn thành việc phổ cập cấp tiểu học .
Ông Nguyễn Hữu Bính, Hiệu trưởng Trường THCS xã Ngổ Luông đã ôn lại thời kỳ khó khăn gian khổ của những ngày đầu xây dựng phong trào. Thời kỳ đó, rất nhiều xã trong tỉnh, trong huyện dạy học cầm chừng. Nhiều giáo viên không thể tiếp tục theo nghề mình đã chọn nhưng riêng xã Ngổ Luông không giáo viên nào bỏ nghề, không nỡ bỏ nghề trước sự quan tâm chăm lo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, học sinh và bà con nhân dân. Đáp lại những tình cảm thân tình của thầy và trò trường THCS Ngổ Luông, các thầy cô giáo đã không quản gian khổ với đồng lương khiêm tốn, lòng yêu nghề “Tất cả vì học sinh thân yêu” đã vượt qua trở ngại về địa lý, tạm gác công việc gia đình ở lại trường nội trú để gần gũi, thêm thời gian kèm cặp các em học sinh. Tiêu biểu như thầy Trần Xuân Thái, quê ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội), thầy Nguyễn Văn Sử, ở thị xã Hòa Bình, cô Bùi Thị Thanh, quê ở huyện Yên Thủy nay là Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam…. chính sự tận tâm đó đã truyền lửa cho các thể hệ học sinh vượt qua những trở ngại bản thân, tuổi tác, địa vị xã hội để tham gia học tập.
Nhờ đó, đến nay, 3 cấp học của xã đã được đầu tư kiên cố với 27 phòng học, đảm bảo cho việc dạy và học, 100% học sinh trong độ tuổi được đến trường, chất lượng dạy và học hàng năm đều tăng lên. Xã Ngổ Luông được UBND huyện công nhận đơn vị duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, phổ cập tiểu học chống mù chữ và phổ cập THCS.
Dẫu rằng, mảnh đất này vẫn còn lắm gian nan nhưng những tiếng nô đùa, những thành tích học tập đáng nể của học sinh nơi đây chính là nguồn động lực to lớn để các thầy giáo, cô giáo tiếp tục gieo chữ, vun đắp cho sự nghiệp trồng người.