Vì đồng lương và phụ cấp quá eo hẹp nên phần lớn công nhân đều chấp nhận làm thêm giờ để tăng thu nhập, trang trải cuộc sống. Thế nhưng, hậu quả họ phải gánh chịu trong tương lai là rất khó lường. Đó là khẳng định của nhiều đại biểu tại hội thảo “Điều kiện lao động, giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi và năng suất lao động, an toàn, sức khỏe người lao động” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 23/5, tại Hà Nội.
Làm thêm nhiều giờ khiến sức khỏe của người lao động không đảm bảo.
Nhiều hệ lụy rình rập
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Ngà, Phó Chủ tịch Hội Y học lao động Việt Nam, kết quả khảo sát sơ bộ của người sử dụng lao động trong 4 doanh nghiệp thì ¾ doanh nghiệp cho biết sau ca làm việc kéo dài người lao động ốm nhiều.
“Ngoài công việc, người lao động còn có các nhu cầu như giải trí, chăm sóc gia đình... để cân bằng cuộc sống và tái tạo sức lao động. Việc tăng giờ làm thêm chỉ có ý nghĩa cơ học, tăng số lượng sản phẩm nhưng năng suất lao động lại giảm. Tình trạng làm việc theo tính chất dây chuyền hiện nay khiến nhiều lao động không chịu đựng nổi, dẫn đến suy kiệt sức khỏe, chưa kể khả năng dinh dưỡng cho người lao động còn đang bị hạn chế, nguy cơ tai nạn lao động rình rập”, bà Ngà nói.
Qua khảo sát định tính số giờ làm thêm đối với công nhân dệt may ở Vĩnh Phúc, Hải Dương cao hơn nhiều so với TP HCM và Đồng Nai. Tại TP HCM và Đồng Nai làm thêm 2 giờ/ngày và 3 ngày/tuần. Một số doanh nghiệp có đơn hàng nhiều thì làm thêm 5 ngày liên tục trong tuần. Tại Hải Dương làm thêm 4 giờ/ngày, trong 5 ngày liên tục/tuần. Trong đó ngành da giầy số giờ làm thêm cao nhất từ 31 – 60 giờ/tháng chiếm 40,5%, chế biến thực phẩm chiếm 36%, dệt may hơn 35%.
Chị Nguyễn Thị Hải, công nhân Khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, trung bình một ngày chị có thể làm thêm một tiếng đồng hồ nhưng với mức tăng ca liên tục như hiện nay, sớm muộn chị cũng phải nghỉ cảm thấy quá sức chịu đựng.
Theo TS. Vũ Minh Tiến, Viện Phó Viện Công nhân Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam, qua khảo sát năm 2017 của Viện về Tiền lương, 35% số lao động được khảo sát muốn làm thêm giờ, nguyên nhân chỉ bởi họ muốn có thêm một bữa ăn ca.
“Lương của họ quá thấp, không đủ tiền nuôi con, thuê nhà, lo cho cuộc sống… nên họ muốn làm thêm giờ chỉ để đủ ăn, chứ không phải là để làm giàu” - ông Tiến nói.
Cần lắm một giải pháp căn cơ
Tại hội thảo, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, tình trạng làm việc theo tính chất dây chuyền hiện nay với điều kiện lao động không đảm bảo, tăng thời gian làm thêm khiến nhiều người lao động căng thẳng, dẫn đến mệt mỏi, suy giảm sức khỏe, từ đó làm giảm hiệu suất lao động, tăng nguy cơ mắc một số bệnh như tim mạch, đau mỏi cơ xương khớp, đau đầu…
Ông Chính nêu ví dụ, nhiều lao động nữ trong ngành thủy sản, do suốt ngày phải đứng trong nhà xưởng, máu dồn xuống chân, nên dần dần họ bị bệnh giãn tĩnh mạch.
“Khi bắt đầu làm, tĩnh mạch họ chỉ bằng đầu đũa, sau bằng ngón tay. Nhiều công nhân khi kết thúc buổi làm việc, tĩnh mạch giãn lớn quá, phải cắt ủng mới có thể rút chân ra được”, ông Chính nói.
Ngoài ra, một thực trạng đáng lo ngại, đó là nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động tối đa chỉ từ 10-15 năm. Doanh nghiệp tuyển công nhân lúc họ mới 20 tuổi, nhưng sử dụng tối đa chỉ đến 35 tuổi, khi sức khỏe suy giảm, mắt mờ, chân tay đã bớt linh hoạt, doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với họ.
“Lúc này, người lao động rất khó khăn để có thể tìm được một công việc khác, vì vậy buộc phải quay trở lại làm nông nghiệp. Khi sa thải, doanh nghiệp lại tiếp tục tuyển chọn những lao động trẻ, khỏe hơn và mức lương phải trả thấp hơn”, ông Chính chia sẻ.
Từ ý kiến đóng góp của các đại biểu đã cung cấp thêm cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn về tác động ảnh hưởng của điều kiện lao động, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi đến năng suất lao động, an toàn sức khỏe người lao động, để từ đó Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia với cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật trên cơ sở khoa học, cơ sở thựctiễn phù hợp với sức khỏe của người lao động, đặc biệt là tham gia góp ý hoàn thiện dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, chuẩn bị trình Quốc hội trong thời gian tới.