Tăng cơ chế giám sát 'tự diễn biến'

Hoàng Mai 02/11/2016 07:44

Ngày 1/11, Tổng Bí thư  Nguyễn Phú Trọng  thay mặt BCH TƯ Đảng đã ký ban hành nghị quyết TƯ 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đây là lần thứ 2 trong hai khóa Đại hội Đảng, BCH TƯ đã ban hành Nghị quyết TƯ 4 về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Khoảng thời gian giữa 2 lần Nghị quyết ấy là 5 năm. Và, việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 các

BCH TƯ đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII khi đánh giá về 5 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 4 khóa XI đã nêu rõ: “Quá trình tự phê bình và phê bình đã góp phần đấu tranh với những suy nghĩ và hành vi sai trái nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” đạt được một số kết quả; tích cực đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào thành công của đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội XII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021”.

Đó là nhìn về tổng thể. Còn thì, xây dựng Đảng là công việc dài lâu, cần phải làm thường xuyên, liên tục như chuyện “đánh răng, rửa mặt”. Bác Hồ đã từng chỉ rõ: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn hơn, không nhất định hôm nay vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Với một Đảng cầm quyền, một Đảng đã lãnh đạo dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác thì điều đó càng quan trọng hơn cả vì nếu ngủ quên trong “men say chiến thắng” thì Đảng ấy vô hình trung sẽ đánh mất tính cách mạng và sự gương mẫu của mình. Đó là một nguy cơ.

Tháng 10 năm 1947, khi Chính phủ và Nhân dân của nước Việt Nam mới đang ở trong những năm tháng đầu của thời kỳ xây dựng Nhà nước; khi mà thù trong chưa dứt, giặc ngoài vẫn bao vây, Hồ Chủ tịch đã viết tác phẩm: “Sửa đổi lối làm việc”. Trong đó, Người nhấn mạnh: “Mỗi Đảng viên, trước hết là mỗi cán bộ, phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình. Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Kiên quyết chống bệnh tự mãn tự túc, tự tư tự lợi, kiêu ngạo, ba hoa. Phải thực hành khẩu hiệu: “Chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính!”.

Có thể nói, Hồ Chủ tịch đã dự cảm được những căn bệnh của những ông quan cách mạng vào thời bình. Và, Người đã viết “Sửa đổi lối làm việc” như một sự cảnh báo về tính quan liêu, sự xa rời quần chúng nhân dân của những con người đã từng bước qua sự sinh tử mà không sợ bất cứ hiểm nguy nào; thậm chí không sợ cả sự hy sinh để làm được một sứ mạng cao cả; thế mà, chiến tranh đi qua lại khó vượt qua được những cửa ải cám dỗ thời hậu chiến. Đáng buồn hơn, qua thời gian khó người ta lại nhanh quên đi những khổ đau; những vất vả; những gian nan của thời chỉ ăn măng tre, uống nước suối trong cuộc đời “cách mạng thật là vui”. Thế mới biết, hoàn cảnh sống và điều kiện sống có sự tác động không nhỏ vào tâm tư, tình cảm và làm thay đổi suy nghĩ; làm thay đổi con người rất nhanh chóng.

Đó là lý do mà Nghị quyết TƯ 4 khóa XII sau khi đánh giá những cái đã làm được của TƯ 4 khóa XI đã không ngần ngại chỉ rõ hơn: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, một số việc chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao... Đặc biệt, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước...

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ: “Tôi thấy rất mừng khi Đảng thể hiện bản chất cách mạng và khoa học là không bao giờ thỏa mãn trước thành tựu mình có được mà phải luôn luôn thấy những yếu kém của mình. Và bây giờ có điều kiện, Đảng đã công khai những yếu kém của mình bằng các phát biểu của các lãnh đạo, bằng các văn bản chứ không chỉ “nói trong nội bộ”.

Nhận thức và nhận diện những sự biến tướng của suy thoái, của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một bước quan trọng để đánh trực diện vào sự “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” ấy. Và, giờ là thời điểm thích hợp để đưa nhanh Nghị quyết TƯ 4 khóa XII đi vào cuộc sống.

Nghị quyết TƯ 4 khóa XII đã nhận diện nguy cơ, nêu quan điểm cứng rắn và đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, công tác tư tưởng, chính trị, tự phê bình và phê bình thì cần được làm thường xuyên liên tục nhưng tránh hình thức.

Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách đáng chú ý là chuyện phân định rõ thẩm quyền trách nhiệm tập thể ở đâu, cá nhân thế nào? Nhưng phải làm sao để các quy định của pháp luật phải thật chặt chẽ, phải thật minh bạch. Cái này nói thì dễ mà làm không dễ. Bởi, cơ chế, chính sách và kể cả hệ thống pháp luật là do ý chí con người mà ra. Nếu con người mà không thật sự liêm chính sẽ rất khó để thực hiện.

Nhưng, có một việc mà các cấp ủy đảng có thể thực hiện được một khi quyết tâm. Đó chính là công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Đưa nghị quyết đi nhanh vào cuộc sống chính là nên nâng cao hiệu quả của công tác này một cách thường xuyên, liên tục. Và khi đã phát hiện sai phạm thì xử lý nghiêm, không nể nang, né tránh. Nghị quyết đã nói rõ việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương và cơ quan thường trực về phòng, chống tham nhũng.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-ngân sách Lê Thanh Vân khi hiến kế cho việc thực hiện Nghị quyết TƯ khóa XII đã cho rằng: “Công tác kiểm tra phải làm thường xuyên định kỳ. Bản thân cơ quan kiểm tra cũng phải siết chặt kỷ luật. Những người đi kiểm tra mà không thực hiện tiêu chí đánh giá cán bộ, chuẩn mực hành vi, chức năng nhiệm vụ của cá nhân, cơ sở đảng thì cá nhân đó cũng phải chịu trách nhiệm và cần xử lý nghiêm.”. Tức là để tạo đột phá trong công tác xây dựng, bảo vệ Đảng thì cần chặn mọi ngả đường dẫn đến suy thoái của các cán bộ có liên quan.

Nghiên cứu việc tăng thẩm quyền và chế tài xử lý trách nhiệm của uỷ ban kiểm tra các cấp trong việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên. Rà soát, hoàn thiện các quy định của Đảng và Nhà nước về xử lý kỷ luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước.

Tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm... Những điều đó Nghị quyết đã chỉ ra. Nhưng làm gì ở đâu thì việc trao quyền lực cũng cần đi kèm cơ chế giám sát quyền lực và phát huy vai trò của nhân dân, của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội trong giám sát theo như Quyết định số 217-QĐ/TƯ và Quyết định số 218-QĐ/TƯ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cơ chế giám sát 'tự diễn biến'