Ngày 11/4, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và Hội Người khuyết tật Hà Nội đã tổ chức Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật.
Có mặt từ rất sớm dù không phải lần đầu đi tìm việc nhưng anh Nguyễn Văn Khả, Gia Lâm (Hà Nội) không khỏi thấp thỏm và lo lắng. Trước anh làm công nhân may nhưng mấy tháng nay bị mất việc vì công ty bị giảm đơn hàng. Dù đã gửi hồ sơ nhiều nơi nhưng anh vẫn chưa được nhận được công việc nào. Vì thế khi hay tin Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến dành cho lao động khuyết tật, anh đã có mặt từ sớm với mong muốn tìm được một công việc phù hợp với mức thu nhập ổn định.
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, phiên lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật ngày 11/4 có 33 đơn vị, doanh nghiệp tham gia với 996 chỉ tiêu tuyển dụng và tuyển sinh. Trong đó có 12 doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề có sử dụng lao động là người khuyết tật tham gia với 340 chỉ tiêu tuyển dụng và tuyển sinh. “Đây là cơ hội cho lao động là người khuyết tật tự tin tìm kiếm được việc làm, địa chỉ đạo tào nghề phù hợp, để từ đó tham gia vào thị trường lao động tạo ra thu nhập ổn định cuộc sống” - ông Thành cho biết.
Cũng theo ông Thành, mức thu nhập từ trên 10 triệu - 15 triệu đồng/tháng dành cho lao động chất lượng cao vào các vị trí kinh doanh, quản lí, giám sát, trưởng - phó phòng. Mức thu nhập từ trên 7 triệu - 10 triệu đồng /tháng với các vị trí việc làm ổn định như: kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề. Mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng/ tháng áp dụng cho lao động chưa có tay nghề, các bạn sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, bán thời gian.
Mặc dù có nhiều điểm sáng về công tác dạy nghề và giới thiệu việc cho người khuyết tật song công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Số người được học nghề và có việc làm vẫn còn hạn chế, thiếu chương trình, đội ngũ giáo viên dạy nghề. Cùng với đó, trình độ học vấn của nhiều người khuyết tật còn thấp, cộng với tâm lý tự ti, mặc cảm của bản thân người khuyết tật và gia đình khiến cơ hội tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp của người khuyết tật còn hạn chế.
Theo ông Trịnh Xuân Dũng - Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội, việc làm là chìa khóa quyết định bởi khi có việc làm người khuyết tật sẽ có được cuộc sống ổn định, được tham gia bình đẳng với lao động khác. Do vậy bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, các công ty, doanh nghiệp các cơ sở kinh doanh khi có nhu cầu tuyển lao động là người khuyết tật nên tạo cho họ có một môi trường, bầu không khí thân thiện để được thuận tiện khi đến làm việc.
Còn ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, hiện thành phố có khoảng hơn 100.000 người khuyết tật, trong đó có khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động. Chính vì vậy, Hà Nội đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch về an sinh xã hội, tạo việc làm, dạy nghề cho người khuyết tật. Tuy nhiên, để giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ chờ các chính sách xã hội mà về phía người lao động khuyết tật cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, sẵn sàng đảm đương được công việc của nhà tuyển dụng để khẳng định được mình.
Ông Tô Đức - Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. Trong đó, có 87,27% người khuyết sống ở nông thôn, tỉ lệ người khuyết tật sống ở khu vực này thuộc diện nghèo và cận nghèo thường cao gấp 3 tỉ lệ nghèo trung bình của toàn quốc.