Sáng 30/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại Khoa Gây mê hồi sức và hồi sức tích cực trong cơ sở khám chữa bệnh.
Tại Hội nghị, Bộ Y tế cho biết đã ban hành Quy chế thành lập khoa chống nhiễm khuẩn tại Quy chế BV (1997) và Thông tư số 18/2009/TT-BYT Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng nhiều văn bản khác hướng dẫn về công tác này. Đồng thời, trong 83 tiêu chí về đánh giá chất lượng bệnh viện thì kiểm soát nhiễm khuẩn là một tiêu chí quan trọng.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), kết quả khảo sát tự đánh giá tại 558 bệnh viện thực hiện năm 2019 cho thấy, tại Khoa Gây mê hồi sức vẫn còn đến 42,8% Khoa không bố trí luồng di chuyển một chiều, gần 18% khoa không có khu để xử lý dụng cụ, đặc biệt có đến gần 54% Khoa không khử khuẩn, tiệt khuẩn tập trung các dụng cụ, gần 20% Khoa không có quy định nhận diện người bệnh phẫu thuật.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị cam kết thực hiện đúng, đầy đủ nội dung các văn bản, các quy định, hướng dẫn chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn do Bộ Y tế ban hành. Song song với truyền thông, nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh. Đồng thời thiết kế/cải tạo cơ sở hạ tầng, trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, điều kiện cho phòng ngừa cách ly, thực hành vô khuẩn, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn và bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn theo cơ cấu giá viện phí dành cho kiểm soát nhiễm khuẩn.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu đẩy mạnh vai trò kiểm tra, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện. Áp dụng các biện pháp phòng ngừa, cách ly theo đúng hướng dẫn chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn đã ban hành nhằm giảm thiểu tỷ lệ nhiễm khuẩn BV đến mức thấp nhất. Thực hiện cải tiến chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn góp phần bảo đảm cung cấp dịch vụ an toàn và chất lượng. Định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả triển khai thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn, tỉ lệ nhiễm khuẩn BV đúng quy định.