Thống kê mới nhất cho thấy, tại Việt Nam cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao thấp so với tuổi). Trong bối cảnh nước ta có khoảng gần 8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi thì có đến 1,2 triệu trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và trên 2 triệu trẻ suy dinh dưỡng thấp còi. Đây là một con số đáng báo động về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, có ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển thể lực, tầm vóc và trí tuệ của trẻ.
Cần phải đa dạng hóa các thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày cho trẻ để tăng cường sức đề kháng và phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.
Sức đề kháng kém tiềm ẩn nguy cơ mắc nhiều loại bệnh
Tại hội thảo “Sữa non - nguồn dinh dưỡng miễn dịch quý giá cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ” vừa được tổ chức tại Hà Nội (ngày 28/7), PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, đa số những trẻ sinh non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng đều có khả năng miễn dịch kém nên rất dễ mắc các bệnh như: sởi, ho gà, viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy… Biểu hiện chủ yếu của trẻ có sức đề kháng kém là lười ăn, quấy khóc, còi cọc, suy dinh dưỡng, hay ốm vặt và mắc các bệnh về da…
Trong số các bệnh mà trẻ có sức đề kháng kém thường mắc thì nhiễm khuẩn hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay, mỗi trẻ có từ 5 đến 7 lần nhiễm khuẩn hô hấp cấp/năm. Số trẻ mắc nhiễm khuẩn hô hấp đến khám tại các phòng khám và BV chiếm từ 1/3 đến 1/2 tổng số trẻ.
Đáng chú ý, trong đó viêm phổi là bệnh nặng và gây tử vong cao nhất chiếm từ 1/4 đến 1/3 tổng số tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Thực tế cho thấy, ở các nước đang phát triển, có đến 4.300 trẻ tử vong mỗi ngày do viêm phổi, tương đương cứ 20 giây lại có một trẻ tử vong do viêm phổi mỗi ngày.
Theo các bác sĩ, khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp thì hầu hết cha mẹ thường lạm dụng thuốc kháng sinh, cho rằng chỉ cần cho trẻ uống kháng sinh là bệnh sẽ tự khỏi. Điều này không chỉ gây ra tình trạng kháng thuốc mà còn khiến bệnh hay tái đi tái lại. Từ đó dẫn tới tình trạng giảm sức đề kháng ở trẻ, tạo cơ hội cho dịch bệnh có điều kiện phát triển thậm chí đe doạ tới tính mạng của trẻ.
Vắc xin đầu đời của trẻ
Theo nghiên cứu từ Tổng cục Thống kê, từ năm 2014 đến nay, tỷ lệ trẻ sinh non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng ở Việt Nam đang tăng nhẹ từ 5,1% (năm 2011) lên 5,7% (năm 2013) và 6,2% (năm 2018). Nếu tình trạng trẻ sinh non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng trong thời gian dài sẽ gây cản trở sự phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ của trẻ em Việt Nam trong tương lai.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc trẻ có cơ hội được ăn sữa non (xuất hiện ở tuần cuối thai kỳ và 48 đến 72 giờ sau sinh) trong những năm tháng đầu đời có khả năng chống chọi lại được nhiều bệnh tật nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khẻo của trẻ. Sữa non được coi như “vắc xin đầu đời” giàu dinh dưỡng và kháng thể cho trẻ, do đó, các bà mẹ cần cho con bú ngay sau khi sinh. Nếu trẻ không được sử dụng nguồn sữa non trong giai đoạn này đồng nghĩa với việc trẻ sẽ phải chịu gánh nặng bệnh tật nặng nề hơn trong suốt cuộc đời.
Phòng chống thiếu vi chất được coi là một trong 6 mục tiêu quan trọng của Chiến lược dinh dưỡng Quốc gia 2011 - 2020. Các chuyên gia khuyến cáo, để tăng cường sức đề kháng cho trẻ và phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bậc phụ huynh cần phải đa dạng hóa các thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày cho trẻ. Nên lựa chọn và thường xuyên sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh để nhận được nguồn sữa non chứa nhiều vi chất, kháng thể từ mẹ, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn, đồng thời, cần tăng cường bổ sung các loại thực phẩm như sữa non, vitamin, khoáng chất để tăng cường dinh dưỡng cho trẻ nhỏ.
Bên cạnh đó, hiện có nhiều bậc phụ huynh trong quá trình chăm sóc con chỉ muốn giữ con ở trong nhà mà không cho con ra ngoài trời vì sợ trẻ mắc bệnh. Theo TS.BS Phan Bích Nga- Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có nhiều gia đình không cho trẻ ra ngoài, chỉ giữ trẻ ở trong nhà sẽ khiến trẻ dễ bị thiếu vitamin D. Từ đó có thể dẫn tới tình trạng trẻ quấy khóc, vật vã, ngủ không yên, rụng tóc hình vành khăn, nặng sẽ dẫn tới trẻ bị chậm lớn, còi xương gây ảnh hưởng không nhỏ tới thẩm mỹ như bướu trán, lồng ngực gồ lên, chân vòng kiềng.