Nhằm giảm số người tái nghiện, mô hình tăng cường hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người sử dụng ma túy đã được Bộ LĐTB&XH; chính thức triển khai thí điểm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Theo đó mô hình này là sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp, y tế, xã hội và cộng đồng trong hỗ trợ tiếp cận giúp người nghiện ma túy đạt được hiệu quả điều trị nghiện cao nhất, giảm tỷ lệ tái nghiện và tái phạm tội do tác động của ma túy.
Thống kê của ngành chức năng cho thấy, hiện cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 11.831 người so với năm 2016, trong đó số người phát hiện mới chủ yếu sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần. Đáng chú ý, dù Nhà nước đã ban hành nhiều khung chính sách cũng như thực hiện các mô hình cai nghiện, tuy nhiên tình trạng nghiện ma túy tổng hợp vẫn ngày gia tăng, nhất là đối tượng sử dụng ngày càng trẻ hóa gây bức xúc dư luận. Trong khi đó công tác cai nghiện tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn, số người được cai nghiện giảm dần, nguyên nhân cơ bản do người nghiện và gia đình người nghiện ma túy không tự khai báo và đăng ký cai nghiện, không hợp tác để tổ chức cai.
Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, công tác quản lý sau cai theo Luật Phòng, chống ma túy tại cơ sở quản lý sau cai nghiện chủ yếu là quản lý hành chính, chưa có các biện pháp hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho người nghiện trước khi về cộng đồng. Thực tế việc kéo dài thêm 2 năm quản lý sau cai trong Trung tâm chỉ càng làm tăng thêm khó khăn, rào cản khi người nghiện về lại cộng đồng. Quản lý sau cai tại nơi cư trú, thực tế rất khó và không quản lý được, không có nhân sự hỗ trợ, giúp đỡ đối với người sau cai nghiện ở cộng đồng.
Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho thấy, đến nay có 52.996 người được điều trị Methadone, tuy nhiên, việc điều trị thay thế bằng thuốc Methadone gắn với trạm y tế cấp xã như là điểm cấp phát thuốc chưa được thực hiện rộng rãi tại các địa phương. Việc kiểm tra, đánh giá về tuân thủ điều trị, sử dụng kép với ma túy khác, tình trạng bỏ liều, công tác hỗ trợ xã hội…cần được tăng cường.
Xuất phát từ thực tế trên, ngày 7/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 424/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020, trong đó giao Bộ LĐTB&XH nghiên cứu triển khai mô hình trợ giúp pháp lý, xã hội theo mô hình “tiền xét xử”.
Là địa phương triển khai thí điểm, ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống TNXH TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, tình hình tệ nạn xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh khá phức tạp, có số người nghiện ma túy nhiều nhất cả nước, với hơn 22.000 đối tượng có hồ sơ quản lý. Những năm qua, thành phố đã hết sức nỗ lực và tập trung quyết liệt vào việc thực hiện cai nghiện ma túy để góp phần giảm thiểu số người nghiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều người vẫn có quan niệm nên cho người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Do vậy việc triển khai mô hình sẽ là tiền đề góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội trong công tác điều trị ma túy cho người nghiện. Hơn nữa việc sử dụng những điểm tư vấn sẽ giúp chúng ta đỡ tốn kém về nhật nhân lực và vật lực đội ngũ cán bộ đã được đào tạo và cơ sở vật chất cũng đã có sẵn.
“Việc sử dụng những điểm tư vấn khi triển khai mô hình hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy sẽ giúp chúng ta đỡ tốn kém về nhân lực và vật lực nhờ đội ngũ cán bộ đã được đào tạo và cơ sở vật chất cũng đã có sẵn” – ông Du nhấn mạnh.